“Bí quyết” hạnh phúc ở xứ sở Bắc Âu

Bắc Âu, trong hình dung trước đây của tôi, tựa như một thiên đường nơi hạ giới. Ở nơi đó, con người được tạo mọi điều kiện để hưởng thụ cuộc sống chất lượng nhất - theo ý nghĩa trọn vẹn của từ này. Và hành trình ngắn ngủi lang thang qua bốn quốc gia, dù chỉ dừng ở mức “cưỡi ngựa xem hoa” đã mang lại cho tôi một góc nhìn tương đối rõ nét, về xứ sở hạnh phúc vốn được cả thế giới ngưỡng mộ lâu nay.

Sống “xanh”

Tôi chọn thăm thú Bắc Âu bằng phương tiện tàu biển. Bởi bốn điểm đến, cũng là bốn thủ đô Helsinki, Stockholm, Oslo, Copenhagen của các quốc gia Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch đều phô bày vẻ quyến rũ trải dài theo đường viền lượn cong mềm mại ven biển Baltic. Thu vàng Bắc Âu - trong quãng thời gian chuyển giao ngắn ngủi giữa mùa hè ấm áp và đông dài trắng xóa tuyết phủ - đã kỳ công dệt tấm áo choàng lãng mạn để phủ nét thơ mộng lên những khoảng không gian rộng lớn nhưng tĩnh lặng, yên bình. Qua cửa kính của con tàu, tôi được thỏa sức ngắm nhìn những cánh rừng thu đang mùa lá đổ, như một bảng mầu được pha trộn hài hòa giữa ba sắc độ xanh - vàng - đỏ cùng những ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn tuyệt đẹp ẩn hiện giữa tán rừng rậm rạp ken dày trên suốt dọc hải trình.

Cùng chung một cái tên Nordic (phía Bắc), cùng chung một bán đảo Scandinavi, các quốc gia kể trên sở hữu rất nhiều điểm chung mà nếu chỉ hời hợt lướt qua, du khách lần đầu tới đây sẽ có cảm giác tất cả đều giống nhau, như thể anh em cùng sinh ra từ một mẹ.

Thủ đô nào cũng có bến cảng, thuyền bè lớn nhỏ neo đậu san sát. Nhìn từ xa, chỉ thấy đám cột buồm dựng lên tua tủa, trông như rừng giáo mác của một đạo quân thiện chiến thời Trung cổ. Thủ đô nào cũng lưu giữ vẹn nguyên một khu phố cổ có tuổi đời nhiều thế kỷ, với những lối đi lát đá nhấp nhô. Thủ đô nào cũng uốn lượn giữa một bên là đại dương xanh thẳm, một bên là rừng rậm với những tàng cây cổ thụ tỏa bóng mát, những bãi cỏ tươi tốt xanh rì. Thủ đô nào cũng thừa phương tiện giao thông công cộng và thừa thãi xe đạp. Thủ đô nào cũng rất hiếm nhà cao tầng, hiếm luôn cả phương tiện giao thông cá nhân. Thủ đô nào cũng bảo đảm “bốn không”: không bụi, không khói, không rác và không kẹt xe. Vì thế, bầu trời ở đâu cũng xanh ngắt, trong veo. Bầu không khí ở chỗ nào cũng sạch sẽ, tinh khôi, như vừa được gội rửa, tưới tắm sau một cơn mưa rào mùa hạ mát lành. Không gì ngạc nhiên, khi Bắc Âu có tới bốn cái tên nằm trong danh sách Top 10 những thủ đô sạch sẽ nhất thế giới - bao gồm Helsinki, Tallinn, Stockholm và Oslo.

Mặc dù nổi tiếng là những quốc gia thịnh vượng, giàu có nhưng người dân Bắc Âu hầu như không có thói quen sử dụng những thương hiệu xe ô-tô sang trọng, đắt tiền. Để lưu thông trên đường, họ chỉ chủ yếu sử dụng xe bus, tàu điện ngầm và loại tàu điện chạy trên tuyến đường ray cổ lỗ như Hà Nội của gần nửa thế kỷ trước. Đường phố nhỏ, luôn tấp nập người đi bộ. Xe đạp hiện diện ở khắp nơi. Cứ vài ngã tư lại có một điểm cho thuê xe, giá rất rẻ, thủ tục đơn giản. Thậm chí, phần vỉa hè bao viền các cánh rừng, công viên đều giành một làn đường riêng cho xe đạp di chuyển. Du khách đi bộ lạc sang phần đường cấm, không những bị xe đạp đụng phải ngay giữa vỉa hè mà còn có khả năng bị chủ xe... bắt đền!

Nghĩ “xanh”

Không thể phủ nhận, người dân Bắc Âu được hưởng thụ những điều kiện sống tốt đẹp, thậm chí có thể còn là giấc mơ của phần đông dân số toàn cầu. Nhiều thế kỷ sống trong yên bình, chế độ phúc lợi xã hội rất cao, môi trường kinh doanh tốt hàng đầu thế giới, các chỉ số đo lường tình trạng ổn định và lành mạnh của xã hội (như khả năng cạnh tranh toàn cầu, khả năng đổi mới sáng tạo, chỉ số nhận thức tham nhũng, mức độ thịnh vượng và phát triển con người...) đều nằm trong Top 10 của thế giới.

Nhưng người Bắc Âu cũng là đối tượng “biết sống” nhất trên thế giới, với một lối sống thật sự “xanh”. Trái ngược với nhịp di chuyển, mưu sinh, cống hiến và hưởng thụ đều gấp gáp, quay cuồng tại phần lớn quốc gia hiện nay, cách sống chậm rãi, điềm đạm của con người Bắc Âu mang lại cho họ những giá trị hạnh phúc cốt lõi.

Miền đất yên bình này chắc chắn không thích hợp với những du khách đam mê nhịp sống sôi động, yêu thích hưởng thụ tiện nghi hào nhoáng. Bởi mọi thành phố đều trở nên tĩnh lặng, vắng vẻ ngay từ sau 10 giờ tối. Hành trình theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” không cho phép tôi có đủ thời gian la cà, khám phá kỹ càng. Nhưng từ những gì ít ỏi quan sát được, có cảm giác người dân khu vực này luôn dành trọn buổi tối cho gia đình. Tò mò tìm hiểu, tôi được biết tổ ấm gia đình luôn được mọi người đặt ở vị trí số một.

Người Đan Mạch có từ hygge, khó có thể tìm từ với nghĩa tương đương ở ngôn ngữ khác. Tuy nhiên ý nghĩa của nó là không quan trọng việc bạn dành được bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho gia đình, điều quan trọng là hãy làm cho khoảng thời gian ấy có chất lượng cao nhất, bằng cách sống chậm lại, thoải mái tận hưởng và chia sẻ từng khoảng khắc hạnh phúc. Hygge là đã trở thành nét văn hóa nổi tiếng, giúp Đan Mạch luôn nằm trong top đầu những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất hành tinh.

Anh chàng lái xe Hop on - Hop off vui tính đã nhiệt tình giúp nhóm khám phá thủ đô Copenhagen suốt một ngày dài cho biết, “mọi văn phòng ở Đan Mạch đều đóng cửa lúc 17 giờ. Nam giới hầu như không làm thêm, vì muốn dành trọn vẹn khoảng thời gian đó cho gia đình nhỏ. Trong những ngày nghỉ hoặc kỳ nghỉ, họ luôn cùng vợ con đi chơi, đi du lịch”. Trên đường phố Stockholm (Thụy Điển), có thể bắt gặp rất nhiều người đàn ông vui vẻ đẩy xe nôi hoặc lễ mễ xách đồ, bên cạnh là cô vợ xinh đẹp rảnh rang, nhàn nhã dạo phố. Và có tới phần nửa là đại diện phái mạnh đang cần mẫn mua thực phẩm, trong một siêu thị tại thủ đô Helsinki (Phần Lan)... Dễ hiểu tại sao, những đất nước này cũng luôn nằm trong nhóm đứng đầu về chỉ số bình đẳng giới.

Tôi đã đọc đâu đó một bài viết, trong đó liệt kê những đặc điểm giúp người dân Bắc Âu luôn cảm thấy hạnh phúc - điều đang ngày một trở nên xa xỉ với con người hiện đại nói chung. Đó là giảm ham muốn vật chất, trở về với đời sống tinh thần yên bình, thư thái. Lao động đạt hiệu suất cao, luôn làm việc để cuộc sống có chất lượng cao hơn. Ngừng so sánh với người khác, sẽ dễ dàng hạnh phúc với những gì mình đang có. Luôn giữ cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình...

Như một câu châm ngôn Thụy Điển quen thuộc, “Tiền là thứ có thể tích cóp, còn thời gian thì không. Chất lượng cuộc sống của bạn không phụ thuộc vào việc tiêu tiền mà phụ thuộc vào cách bạn sử dụng thời gian”. Bí quyết để hạnh phúc, hóa ra lại vô cùng giản dị như thế!

 

Có thể bạn chưa biết

Một số quốc gia Bắc Âu có lưu hành Luật Jante - một bộ quy tắc quy định hành vi ứng xử của mỗi cá nhân giúp kiến tạo một xã hội cực kỳ thân thiện và hợp tác.

Nội dung của bộ luật có một số điểm rất thú vị: Đừng nghĩ bạn là đặc biệt, bạn tốt hơn - thông minh, hiểu biết và quan trọng hơn người khác. Đừng cười nhạo, đừng dạy dỗ người khác và cũng đừng yêu cầu mọi người phải quan tâm đặc biệt đến mình... Nói chung, sự khiêm tốn và luôn tôn trọng người khác được đánh giá cao. Thói kiêu ngạo và khoe khoang không được ủng hộ, khuyến khích.

 

Nguồn: Phương Hồ - Báo Nhân dân

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận