“Venice phương Bắc”
Nước Nga du ký: Kỳ II : Choáng ngợp “Venice phương Bắc”
Nhờ hệ thống kênh đào chằng chịt, nhờ vô số những cây cầu cổ kính vắt ngang sông Neva mà thành phố Saint Petersburg được mệnh danh là “Venice phương Bắc”. Đây cũng là thành phố lớn duy nhất trên thế giới được trọn vẹn đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO - như một tuyệt tác bất hủ về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật xây dựng đô thị và nghệ thuật cảnh quan của thế kỷ XVIII - XIX.
Những ô vuông kỳ thú
Suốt dọc chiều dài lịch sử 314 năm, thành phố lãng mạn này đã từng nhiều lần “thay tên đổi họ”. Từ tên gọi khởi thủy ban đầu, mang ý nghĩa “Thành phố của Thánh Peter” (ra đời ngày 16 tháng 5 năm 1703) đến Petrograd (năm 1914). Từ thành phố anh hùng mang tên lãnh tụ V.I.Lenin (Leningrad) năm 1924 trở về với điểm xuất phát - Saint Petersburg năm 1991. Cá nhân tôi vẫn thích nhất cái tên đầu tiên. Và sau mấy ngày ngắn ngủi khám phá thành phố tuyệt diệu này, tôi nghĩ không có cái tên nào thích hợp hơn với địa danh đã từng là Thủ đô của nước Nga Sa hoàng trong hơn hai thế kỷ (từ 1712 đến đầu 1918).
Trước khi tới Nga, cô bạn thân hiện sinh sống tại Moscow gửi cho tôi đường link một bộ phim tài liệu trên Youtube, với tựa đề “Saint Petersburg nhìn từ trên cao”. Vẻ đẹp dễ gây choáng váng của đô thị này khiến vốn ngôn ngữ tưởng như giàu có của tôi cũng trở nên bất lực, nếu muốn miêu tả thật chính xác. Nhưng điều làm tôi cực kỳ thú vị chính là quy hoạch ô vuông đều tăm tắp trong nội đô, thể hiện một tư duy thiết kế cực kỳ chính xác, quy củ nhưng không hề khuôn mẫu, cứng nhắc mà đạt tới vẻ đẹp bay bổng và giá trị thẩm mỹ cao.
Trên những đường phố nhỏ bé, yên bình của Saint Petersburg, ta có thể bắt gặp khá nhiều bức tượng tái hiện hình ảnh uy dũng của Nga Hoàng Peter Great (vị vua vốn rất quen thuộc với người Việt với cái tên Pie Đại đế) mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Kỵ sĩ đồng xanh”. Hoàng đế kiệt xuất, nhân vật lịch sử vĩ đại được người Nga vô cùng tôn sùng này đã có công đưa một nước Nga lạc hậu vượt lên trở thành cường quốc. Và ông cũng chính là người sáng lập, đưa ra ý tưởng và định vị hình hài cho tuyệt tác kiến trúc này, từ cái mốc công trình đầu tiên - Pháo đài Saint Petersburg (nay còn gọi là Petro - Pavlov). KTS nổi tiếng người Pháp Le Blond chính là người thiết kế tổng mặt bằng, được thông qua vào năm 1790. Theo đó, thành phố là một hình ô van, phần chu vi là những pháo đài vòng tròn bao bọc một diện tích lớn, trùm lên một phần con sông Neva và chiếm phần đa diện tích đảo Vaxiliepski. Xuất phát từ giấc mơ xây dựng một thành phố thật quy củ để chứng tỏ sự hùng mạnh của nước Nga, khu trung tâm được xác định có dạng hình vuông. Trừ những điểm tiếp xúc với tường thành hình ô van kể trên, Saint Petersburg là một mạng lưới những đường phố hình vuông ô cờ theo kiểu cổ. Phần sát quảng trường trung tâm, ngoài bốn đường chéo còn hình thành một hệ thống không theo mô hình truyền thống...
Để đạt tới, để dung hòa tất cả những tính từ mà tôi vừa kể thành một tổng thể hòa hợp tuyệt đối, với một đô thị rộng lớn dường như là một bài toán khó không thể tìm ra lời giải. Vậy mà những tổng công trình sư đại tài của thành phố đã làm được.
“Sông Neva chiều tà ánh nước”*
“Con sông Neva hiền hòa chảy lững lờ như dải lụa mềm vương giả vắt ngang qua thành phố Saint Petersburg. Mặt nước trong xanh như tấm gương phản chiếu vẻ kiều diễm, tinh tế của cố đô trầm mặc soi bóng đôi bờ...” |
Từ khu dân cư lớn dần thành đô thị, Saint Petersburg mọc lên hoành tráng, theo hình dung của người sáng lập, như một thiên đường trong tương lai, sau đó được vật chất hóa bằng các chất liệu gạch, đá và gỗ. Có cảm giác mỗi tòa nhà, mỗi đường phố, mỗi cây cầu, tượng đài… được lắp ráp khớp nhau hoàn hảo, trong sự giao thoa và kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Nga truyền thống và những chuẩn mực cổ điển của kiến trúc châu Âu. Không đi từ những đường phố và căn nhà nhỏ lẻ, điểm khởi đầu của đô thị đã định hình những quần thể kiến trúc lộng lẫy, trong một không gian bảo đảm tính đăng đối và thẩm mỹ, với những quần thể di tích - nhà thờ - bảo tàng - vườn - công viên vô cùng đa dạng về phong cách. Nhờ một quy hoạch kiến trúc tổng thể quy củ đến mức hoàn hảo, “cái nôi của giới quý tộc Nga” đã trở thành một trong số ít những thành phố đẹp nhất châu Âu.
May mắn được chiêm ngưỡng thành phố từ du thuyền trên sông Neva, hay thiệt thòi hơn tí chút là ngắm nhìn qua cửa kính ô tô (như tôi) thì vẻ đẹp của Saint Petersburg vẫn tạo nên một hiệu ứng cảm xúc choáng ngợp y hệt. Con sông Neva hiền hòa chảy lững lờ như dải lụa mềm vương giả vắt ngang qua thành phố Saint Petersburg. Mặt nước trong xanh như tấm gương phản chiếu vẻ kiều diễm, tinh tế của cố đô trầm mặc soi bóng đôi bờ. Hơn 40 chi lưu, con ngòi và gần 20 kênh đào được nối liền với nhau bằng xấp xỉ 300 cây cầu, đó là lý do khiến sông Neva được gọi là “phố chính” của kinh thành.
Đi dọc theo bờ kè được ốp đá hoa cương dài tổng cộng 150km của “phố chính” ấy, có thể thu vào tầm mắt mọi kiệt tác kiến trúc, từ Cung điện Mùa đông màu xanh ngọc tới mái vòm bằng vàng hùng vĩ của Nhà thờ Thánh Isaac, từ Đài quan sát thiên văn Pulkovo tới Nhà thờ Kazan, từ toà nhà Bộ Tổng tham mưu tới Nhà hát Alexander, khu vườn Mùa hè… Trên lãnh địa của đế đô phương Bắc này có tới cỡ 3.700 di tích lịch sử và văn hóa, với tập hợp của nhiều phong cách kiến trúc, nổi bật là những tinh hoa Baroque và Byzantine. Một thống kê tỉ mỉ cho thấy Saint Petersburg sở hữu tới 41 trường đại học, 170 viện nghiên cứu khoa học, trên 2.000 thư viện và khoảng 150 bảo tàng. Chỉ tính riêng nhà thờ Chính thống giáo, thành phố này sơ sơ cũng có tới ba tuyệt tác kiến trúc: Nhà thờ Thánh Isaac, Nhà thờ Kazan, Nhà thờ Chúa cứu thế phục sinh trên máu đổ…
Lọt vào danh sách tám thành phố hấp dẫn nhất của UNESCO, Saint Petersburg luôn mang lại cảm giác tiếc nuối cho mỗi du khách trước khi rời đi. Bởi thiên đường của thi ca, nhạc họa, kiến trúc này có quá nhiều điều bí ẩn chờ khám phá. Mà thời gian lưu trú chỉ có hạn. Hẹn sẽ có ngày trở lại, “Venice phương Bắc” kiều diễm của tôi!
________________
* Thơ Olga Bergholtz (theo bản dịch của nhà thơ Bằng Việt)
Hồ Cúc Phương
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận