Kỳ vỹ - nhà thờ chính thống giáo

Choáng ngợp là cảm giác của du khách khi đứng trước hàng loạt nhà thờ Chính thống giáo lộng lẫy, kỳ vĩ của xứ sở Bạch dương. Nhưng điều gì đã làm nên nét khác biệt của những mái vòm “củ hành” sặc sỡ - thương hiệu “độc nhất vô nhị” của những thánh đường Chính thống giáo Nga? Câu hỏi đó  cứ trở đi trở lại trên suốt dọc hành trình khám phá nước Nga. Và câu trả lời có được ở cuối con đường, với tôi, là một phần thưởng vô giá!

NƯỚC NGA DU KÝ- kỳ 1

NƯỚC NGA DU KÝ- kỳ 2

 

“Con tàu Noah”

“Nhiều nhà thờ đã trở thành điểm đến du lịch không thể bỏ qua. Để bước vào, người và túi xách đều phải đi qua máy soi chiếu an ninh, và tất cả đều phải mua vé vào cửa với giá không hề rẻ. Nhưng có hề gì, những gì nhận lại, theo tôi, xứng đáng tới từng đồng rúp”. 

Với tôi, phân biệt được sự khác nhau giữa các đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa như Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành xem ra là một “điệp vụ bất khả thi”. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn giảng giải của một hướng dẫn viên đặc biệt tại Saint Petersburg - anh Vladimir (tên thân mật là Vova, tên Việt Nam là Vũ) mà tôi có được những hình dung đại loại thế này. Ba nhánh Ki tô giáo kể trên, ban đầu đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Ki tô, gọi chung là Ki tô giáo. Nhưng những biến cố, Đông - Tây và cải cách đáng tiếc xảy ra theo dòng thời gian đã khiến dòng chảy chia ba, và từ đó không bao giờ còn cơ hội nhập lại thành một.

Các giáo hội Chính thống chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp cùng các thành phố khác thuộc nền văn minh này, trong khi Giáo hội Roma liên kết với La Mã thuộc văn hóa Latin và phương Tây. Sự khác biệt càng ngày càng gia tăng, khi đế chế Hy Lạp bị chia tách thành hai phần độc lập Đông và Tây. Chính thống giáo Đông phương được hình thành, từ hai nhánh Chính thống giáo Nga và Hy Lạp. Và trong khi Giáo hội Chính thống cho phép các phó tế và linh mục (trừ Giám mục) được kết hôn thì kỷ luật độc thân được áp dụng cho mọi cấp bậc trong hàng giáo sĩ và tu sĩ Công giáo (trừ phó tế vĩnh viễn).

Kiến trúc nhà thờ Chính thống giáo Nga thường chuyên chở nhiều ý nghĩa biểu tượng. Chính thống giáo xem Chúa Jesus là đầu và hội thánh chính là thân thể của ngài. Vì thế, hình ảnh biểu trưng lâu đời nhất, nổi bật nhất của các giáo đường chính là tượng trưng cho con tàu Noah - theo truyền thuyết đã cứu nhân loại thoát khỏi hoạ diệt vong sau cơn đại hồng thủy. Cũng như hội thánh sẽ cứu con người khỏi bị cơn lũ cám dỗ nhấn chìm. Đó là lý do khiến các nhà thờ Chính thống giáo Nga thường được xây dựng theo hình chữ nhật, hoặc hình cây thập giá với phần cánh ngang là nơi dành cho ca đoàn tấu lên những bản thánh ca du dương đầy mê hoặc.

Phía bên trong mỗi nhà thờ đều có rất nhiều ảnh tượng (hay còn gọi là icon Nga). Chính thống giáo Nga tin rằng, những hình ảnh đầu tiên của Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng trinh Maria đều được Lucas chép lại. Chính vì vậy, ta gần như không nhìn thấy tượng thờ bên trong các công trình tín ngưỡng này. Vladimir nói với tôi, “một phần lý do vì Giáo hội chống lại tục lệ thờ lạy nhân tượng của người Hy Lạp ngoại giáo”. Anh cũng cho biết, “trong phần lớn nhà ở của tín hữu Chính thống giáo đều có một không gian cho gia đình cầu nguyện, thường là một bức vách phía Đông, nơi treo nhiều ảnh tượng. Các icon này được trưng cùng nến sáp ong hoặc đèn dầu olive, do có nguồn gốc thiên nhiên và sạch sẽ”. Tranh kính (vốn thường gặp trong các nhà thờ Thiên chúa giáo), chỉ có duy nhất một tác phẩm tại chính điện của Nhà thờ Thánh Isaac. Cũng theo Vladimir, “đây có lẽ là tác phẩm trên kính duy nhất tại Nga”.

Những tháp mái vòm

Bước vào không gian nhà thờ, phụ nữ phải có khăn trùm đầu, trong khi đàn ông phải bỏ mũ để đầu trần. Đó cũng là nguyên tắc áp dụng cho cả khách du lịch chúng tôi, không có ngoại lệ. Tôi bắt gặp trong nhà thờ rất nhiều phụ nữ Nga đẫy đà, phúc hậu trong chiếc khăn trùm đầu, một hình ảnh vô cùng quen thuộc với bè bạn năm châu qua hình hài con búp bê Matrioska nổi tiếng. Điều khác biệt là nhà thờ Chính thống giáo Nga không có ghế ngồi. Các tín đồ, đa phần là nữ, đứng nghiêm cẩn làm lễ cầu nguyện. Sau khi hành lễ xong, họ chậm rãi quỳ xuống hôn mặt đất, hoặc cung kính đi vòng quanh, hôn lên các bức tranh tượng icon treo rải rác trên khắp các mặt tường.

Trên các mái vòm, những bức tranh tường tái hiện các sự tích trong Kinh Thánh bằng nét vẽ bay bổng, với những mảng màu rực rỡ nhưng không kém phần tinh tế, mỹ cảm. Nghe nói, các nghệ sĩ phải bắc giàn giáo để vẽ trực tiếp lên vòm trần có diện tích rất lớn bằng cách phóng bút rất nhanh, trước khi lớp vữa trát kịp khô.

Nhiều nhà thờ đã trở thành điểm đến du lịch mà không du khách nào có thể bỏ qua. Để bước vào, người và túi xách đều phải đi qua máy soi chiếu an ninh, và tất cả đều phải mua vé vào cửa với giá không hề rẻ. Nhưng có hề gì, những gì nhận lại, theo tôi, xứng đáng tới từng đồng rúp. Lạ một điều là du khách có thể chụp hình thoải mái, trong những công trình tín ngưỡng nổi tiếng ở Saint Petersburg như Nhà thờ Thánh Isaac, Nhà thờ Thánh Nicolas… Nhưng khi tới Moscow, dù tiếc hùi hụi nhưng tôi không thể lưu lại một tấm ảnh nào, trong các công trình đẹp choáng váng như Nhà thờ Đấng cứu thế, Nhà thờ Truyền tin hay Nhà thờ Tổng Thiên thần (trong khuôn viên điện Kremlin)... Tất cả đều treo biển cấm quay phim, chụp hình. Tại sao lại có quy định khác biệt này, giữa hai thành phố thì chẳng ai giải thích được cho tôi cả.

Tôi cũng rất tiếc khi không thể nhớ được chính xác nội dung mà nữ tiến sĩ chuyên ngành kiến trúc Quỳnh Phạm (cũng là một hướng dẫn viên đặc biệt mà chúng tôi may mắn được đồng hành tại Thủ đô Moscow) giải thích về ý nghĩa những cái chóp “củ hành” đặc trưng của các nhà thờ. Đại loại là người ta có thể liên tưởng tới một ngọn nến đang cháy soi đường dẫn lối cho các tín đồ, hay một chóp nhọn mang cây thập giá trên đầu để ngăn chặn quỷ dữ… Dù được dát vàng chói lọi (như các nhà thờ vừa kể trên) hay sặc sỡ sắc màu (như nhà thờ Chúa Cứu thế phục sinh trên máu đổ, nhà thờ Thánh Basil…) thì những cái chóp “củ hành” đó đã mang lại cho công trình Chính thống giáo Nga sắc màu độc đáo, rất riêng, không thể trộn lẫn với các nhà thờ khác ở châu Âu. Một nét Nga thuần chất khiến tôi mê mẩn! 

Hồ Cúc Phương

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận