Vài lời khuyên cho người chuẩn bị đi du lịch

Không ít người đã phải đi nghỉ để lấy lại sức khoẻ sau một chuyến du lịch! Nguyên nhân là họ đã không có sự chuẩn bị tốt về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là đã không lường trước được những điều nên tránh trong một chuyến đi xa.

 

 

Sau đây là một số kinh nghiệm mà các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thế giới đưa ra cho những người đang khăn gói chuẩn bị lên đường trong những dịp nghỉ lễ, quốc khánh dài ngày. Các kinh nghiệm này được chuyên gia du lịch Joel Widzer tổng kết trong cuốn cẩm nang "Tấm hộ chiếu rẻ tiền cho những nơi đắt tiền" mới xuất bản. 

1. Tránh những điểm nóng

Cứ mỗi mùa du lịch hay trước mỗi dịp lễ dài ngày, các công ty du lịch không tiếc tiền quảng cáo về những "điểm đến nóng nhất", những "nơi không thể không tới dù chỉ một lần" hay đại loại như vậy. Theo các chuyên gia, đây chính là những điểm nên tránh.

Tránh tới đó không chỉ vì tránh được đám đông chen lấn mà du khách sẽ tránh được những mức giá cao ngất, dù là đi trọn gói hay đi tự túc. Nếu không phải trả nặng tiền cho nhà tổ chức thì bạn cũng không thể mua rẻ từ những người buôn bán biết cách trục lợi từ những chỗ đông người, cung ít hơn cầu. 

Giải pháp tốt nhất là chọn những nơi đưa ra các đề nghị giảm giá, các chính sách khuyến mãi bằng những sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt nên đến những địa danh lịch sử hoặc văn hoá, những nơi giá cả ít khi biến động theo mùa và ít hoạt động phiền nhiễu du khách hơn các nơi ồn ào khác.

2. Không so sánh tị nạnh

Có những người không bao giờ cảm thấy thoải mái trong các kỳ nghỉ. Từ khi xuất phát cho tới khi quay về, họ không ngớt để mắt nhìn xung quanh và tự tị nạnh với người khác. Du khách bên cạnh ngồi ghế máy bay hạng sang hơn, thuê phòng tiện nghi hơn, ăn uống nhiều sơn hào hải vị hơn hay thậm chí mặc cả giỏi hơn nên vớ được món hời hơn...

Tất cả những thứ tưởng chừng lặt vặt như vậy đã không buông tha đầu óc bạn bất cứ giây phút nào và ngấm ngầm phá hỏng hương vị thư thái của chuyến đi.

Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cần thoải mái với những gì mình có và chỉ tập trung vào những gì mình có thể hưởng thụ thay vì so sánh với bất cứ ai. Trong vô vàn những thứ có thể hưởng thụ trong các chuyến đi, chỉ nên tập trung vào những gì bạn thấy quan trọng, vào những cái không thể thiếu. Chẳng hạn, bạn có thể đi vé bình dân nhưng lại thuê phòng ngủ đắt tiền nếu thấy như vậy là hợp lý.

3. Tránh nổi nóng

Nhiều người không kìm được các cơn nóng giận trong mỗi chuyến đi dài, khi những thứ không mong đợi vẫn thường xuyên xảy ra. Nổi giận với hướng dẫn viên du lịch vì tội nói nhiều, cáu gắt vì xe chạy không kịp giờ hay cãi cọ với nhà hàng về cách phục vụ tồi chẳng làm lợi điều gì cho bạn ngoài những rắc rối. Không ít người phải vào đồn cảnh sát, thậm chí hầu toà vì những xung đột không đáng có do nổi nóng nơi xa lạ.

Nếu gặp phải tình huống không mong đợi, tốt nhất là quên nó ngay sau khi phải trả giá. Nếu ai đó không làm bạn vừa lòng, hãy chuyển sang người khác, sử dụng dịch vụ khác, thậm chí đi tới địa điểm khác ngay lập tức thay vì cố nán lại vì tiếc một chút tiền của hay thời gian. Đây được gọi là chiến thuật "con ong" - chỉ dừng lại nếu nếm thấy mật ngọt và bỏ đi ngay nếu dây vào lọ dấm!

4. Đừng quá lợi dụng các hãng du lịch

Thông thường, du khách thường mặc cả quyết liệt với các hãng du lịch trước khi đăng ký đi. Du khách lo sẽ bị lừa, bị hớ một khi ký vào hợp đồng nên đã đặt ra vô số các điều kiện, nhiều khi khó thể chấp nhận. Thế nhưng, để giữ được khách, không ít hãng du lịch đã gật bừa, đồng ý vô tội vạ.

Thế là, một khi du khách đã đồng ý khởi hành, các hãng du lịch, dù muốn dù không, phải ra sức tiết kiệm hoặc tìm cách vòi vĩnh, thu thêm để đủ bù vào các thoả thuận mặc cả nhún nhường trước đó. Đó là nguyên nhân của những hành động khó chịu như dồn đống khách vào một chỗ, đi lại bằng phương tiện tồi tàn và kém an toàn, đi tắt hoặc bỏ qua nhiều điểm quan trọng trong tuyến đi...

Do vậy, hãy đến với các hãng du lịch với tư cách là đối tác làm ăn theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Đó chỉ là nguyên tắc cơ bản của làm ăn kinh tế, của mỗi vụ ký kết hợp đồng và bạn cũng không nên quên, thoả thuận du lịch cũng đơn thuần là một hợp đồng kinh tế và nó yêu cầu được đối xử như mọi hợp đồng khác.

5. Tránh buồn rầu, thất vọng

Khi mọi thứ không diễn ra đúng ý muốn (nhiều khi là kỳ vọng khó đạt), đừng nên ngậm đắng nuốt cay hay than thân trách phận. Thay vào đó, hãy nghĩ cách giải quyết như đang làm việc thường ngày. Nhiều người luôn cho rằng mình đi nghỉ, đầu óc cũng phải được nghỉ ngơi tối đa, do đó rất lười suy nghĩ và không chịu tìm giải pháp cho mỗi tình huống khó khăn trong chuyến đi.

Tốt nhất, để tránh thất vọng trước mỗi chuyến du lịch, bạn nên tự tìm hiểu và nếu được, hãy kiểm tra trước những điểm bạn sẽ tới thay vì giao phó hoàn toàn việc đó cho hãng du lịch. Có quá nhiều kênh để bạn làm điều đó một cách nhanh chóng, từ điện thoại, internet, bạn bè, người quen ở địa phương mình sắp tới...

Một lần nữa cần nhắc lại, hãy coi hãng du lịch là đối tác làm ăn vì lợi ích chung là một chuyến đi an toàn và bổ ích. Như vậy, cả hai cùng bắt tay chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi thay vì phó mặc cho một bên, dù bạn được phép làm như vậy.

6. Tuyệt đối không làm gì thái quá

Trong chuyến du lịch, không nên làm cái gì đó một cách thái quá, dù là điều hay, điều thú vị đến mấy. Hãy xác định một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định, một khoản tiền có hạn và những hoạt động vừa phải trong mỗi chuyến đi thay vì cứ làm điều gì đó cho đến chán mới thôi.

Nhiều du khách đã phát ốm chỉ vì những chuyện không đáng: bị cảm vì quá mê mẩn một bãi tắm trong xanh, đau bụng vì ăn quá nhiều một món ăn lạ miệng, và thường xuyên hơn, bị những thành viên khác trong đoàn phiền lòng vì làm mất thời gian chung vào những khu vực thuộc sở thích đặc biệt của riêng mình.

Thông thường, sự thái quá trong các chuyến đi sẽ khiến bạn phải nỗ lực rất nhiều, hao tiền tốn công rất nhiều sau đó để chuộc lại lỗi lầm chỉ để đưa cuộc sống quay về mức bình thường.

7. Không đi nếu chưa sẵn sàng

Không nên đi du lịch chỉ vì nghe một người bạn kể về những điều thú vị của họ trong chuyến đi mới đây. Những điều đó có thể không thuộc sở thích hay điều kiện của bạn. Không đi chỉ vì đó là một kỳ nghỉ và bạn chưa có gì để làm. Thà không được hưởng niềm vui mới còn hơn gánh chịu nỗi thất vọng vì lý do cũ kỹ là chưa sẵn sàng.

Cũng như trước mọi công việc khác, hãy thực hiện một chuyến đi theo phong cách thật chuyên nghiệp. Tức là bạn phải chuẩn bị sẵn sàng tất cả các bước: lập kế hoạch khả thi - xin tư vấn - huy động các nguồn lực trong đó có tài chính - kêu gọi đối tác nếu cần - thực hiện theo các bước...

Có như vậy, bạn mới có thể hưởng một kỳ nghỉ mãn nguyện. Rõ ràng, để có một kỳ nghỉ thú vị cũng không hề là chuyện đơn giản.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận