7 cung đường Tây Bắc làm say lòng dân phượt

Là vùng núi phía Tây của miền Bắc, Tây Bắc gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Đây là nơi sở hữu những cung đường núi khó đi nhất nhì ở Việt Nam bởi sự nguy hiểm luôn rình rập bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, Tây Bắc lại quyến rũ bất kỳ ai đặt chân đến bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ trải dài bất tận đến khó tin.

7 cung đường Tây Bắc làm say lòng dân phượt

1. Lào Cai – đèo Ô Quy Hồ – Lai Châu

Con đường đèo vắt ngang sườn núi. Ảnh: ST

Con đường đèo vắt ngang sườn núi. Ảnh: ST

Thác Bạc. Ảnh: sinhadvanture

Thác Bạc. 

Đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở Tây Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Đây là một con đèo gần như giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc, với chiều dài lên tới gần 50 km. Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”.

Cổng trời Ô Quy Hồ. Ảnh: Phuot TV

Cổng trời Ô Quy Hồ.

Vượt đèo Ô Quy Hồ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng mang đến cho bạn những trải nghiệm đến thót tim. Nếu vào những đợt mùa mưa, thì chỉ cần đến 1/3 đèo là sương mù đã bao phủ khắp lối đi khiến tầm quan sát vô cùng khó khăn. Thế nhưng, vào những lúc thời tiết nắng đẹp sẽ khiến các tay lái chủ quan và dễ gây ra tai nạn bởi độ dốc thay đổi nhanh chóng với những khúc cua tay áo liên tục. Suốt gần 50 km đường đèo, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Hoàng Liên, thác Bạc hay Cổng trời. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ ở độ cao 2.035m khiến cung đường này được xếp vào một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam và là một trong những cung đường bạn nhất định phải đi một lần trong đời.

2. Điện Biên – đèo Pha Đin – Sơn La

Đỉnh đèo Pha Đinh cũ. Ảnh: Panoramio

Đỉnh đèo Pha Đin cũ.

Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là “trời”, Đin là “đất” hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Với chiều dài khoảng 32 km nối tỉnh Sơn La và Điện Biên, đèo Pha Đin chính là một trong tứ đại đỉnh đèo thứ 2 của Việt Nam. Nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, điểm cao nhất của đèo là 1.648 m so với mực nước biển.

Từ đèo cũ nhìn xuống đèo mới. Ảnh: Võ Hùng Vĩ

Từ đèo cũ nhìn xuống đèo mới. Ảnh: Võ Hùng Vĩ

Sóng núi chập chùng bất tận. Ảnh: imax_73

Sóng núi chập chùng bất tận.

Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút, chính vì vậy, khung cảnh trên đèo Pha Đin cũng trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết với những lớp núi nối tiếp nhau trải dài đến bất tận. Ngày nay, tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200 – 400m) đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với những ai ưa mạo hiểm.

3. Nghĩa Lộ – đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải

Cung đường thơ mộng đến Mù Cang Chải. Ảnh: Thành Đặng

Cung đường thơ mộng đến Mù Cang Chải.

Ruộng bậc thang “mâm xôi” Mù Cang Chải.

Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam thì hết 3 con đèo đã thuộc địa phận Tây Bắc, Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài gần 40 km, nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Với cung đường Nghĩa Lộ – đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải, bạn sẽ được đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Khung cảnh trên cung đường này sẽ chiêu đãi bạn bằng những thửa ruộng bậc thang đẹp đến say lòng.

Ruộng bậc thang dưới chân đèo Khau Phạ.

Ngoài ruộng bậc thang Mù Cang Chải nổi tiếng đã được công nhận Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 2007 với 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, cung đường đèo Khau Phạ cũng đưa bạn đến với ruộng bậc thang Tú Lệ, bản Lìm Mông, Lìm Thái vô cùng quyến rũ. Ở mỗi km mà bạn chạy qua, ruộng bậc thang lại biến hoá với nhiều màu sắc khác nhau. Có những thửa ruộng chín vàng, có những thửa ruộng xanh ngắt, có nơi chỉ mới nhú mạ non, có nơi bạn chỉ thấy được màu bạc của nước như gương soi.

4. Pa Tần – Mường Tè

Cung đường hiểm trở nhưng đẹp say lòng. Ảnh: Trần Quí Thịnh

Cung đường hiểm trở nhưng đẹp say lòng người.

Trước đây cung đường Pa Tần – Mường Tè khi đang xây dựng là nỗi ám ảnh kinh hoàng ngay cả với những phượt thủ chuyên nghiệp bởi đường đi vô cùng khủng khiếp. Để chinh phục cung đường này bạn cần phải có một tinh thần thép và kỹ năng chạy xe thật cứng. Chỉ cần một chút bất cẩn, vực thẳm sẽ chờ đón bạn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, hiện nay con đường đã được nâng cấp dễ đi hơn nhưng không có nghĩa là nó đã bớt nguy hiểm. Ở đây, sạc lở đất đá là “đặc sản” và sương mù thì lúc nào cũng có như cơm bữa.

Một trong những đoạn đường khá dễ nuốt trên cung Pa Tần – Mường Tè.

Cảnh sắc vô cùng ngoạn mục.

Thế nhưng, điều thu hút nhất của cung đường Pa Tần – Mường Tè chính là những khung cảnh hùng vĩ mà núi rừng Tây Bắc mang đến cho bạn, không thua kém gì Mã Pí Lèng của Hà Giang. Với những dãy núi chập chùng nối tiếp nhau không ngừng tạo nên những đường cong không thể nào đẹp hơn. Sự thật là không một chiếc máy ảnh nào có thể lột tả hết vẻ đẹp mà nơi này sở hữu. Chỉ hơn 100km trên cung đường đèo, nhưng bạn sẽ mất gần 4 giờ để có thể vượt qua nó và hãy nhớ không bao giờ được chạy quá 40km/h hay để số 4 khi đổ đèo.

5. Pắc Ma – Mường Tè – A Pa Chải

Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Thành Đặng

Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt.

Ở cung đường này, khó nhằn nhất chính là đoạn Pắc Ma – Mường Tè. Để đến được nơi dòng sông Đà bắt đầu chảy vào đất Việt quả thật không hề dễ dàng chút nào. Bạn sẽ được chiêu đãi nào là đá dăm, đá tảng, bùn lầy suốt quãng đường đi. Ở Pắc Ma có ngôi làng của người dân tộc Hà Nhì sinh sống giữa thiên nhiên thoáng đãng. Cuộc sống của người dân nơi địa đầu Tổ quốc tuy còn nhiều thiếu thốn và khó khăn về vật chất, thế nhưng dường như lại không thể quật ngã mà lại còn trui rèn cho họ một sức sống quật cường và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thiên nhiên hoang sơ không một bóng người.

Từ Mường Tè đến A Pa Chải, cực Tây của Việt Nam lại là một câu chuyện khác. Phải chạy xe rất lâu bạn mới có thể thấy được một vài bản làng nhỏ nằm ẩn khuất dưới những thung lũng. Còn lại chỉ có cỏ cây, hoa lá, núi rừng, tiếng chim hót và cả tiếng suối chảy có thể nghe rõ mồn một từ trên cao. Càng đến gần địa phận A Pa Chải, cư dân càng thưa thớt, cảm giác như bạn và thiên nhiên đã hoà vào làm một. Nếu có thời gian, hãy thử thách bản thân mình khi tự băng qua những cây cầu treo mỏng manh chỉ đủ một người đi của dân địa phương tự làm, phía dưới là dòng nước chảy xiết đến đến đáng sợ. Hay ngâm mình trong một dòng suối trong vắt của Tây Bắc, mọi mệt mỏi khi vượt những cung đường khó khăn sẽ tan biến hết thảy, giúp bạn lấy lại năng lượng để chinh phục cực Tây A Pa Chải một cách dễ dàng.

6. Mường Nhé – Điện Biên

Trân cung đường từ Mường Nhé về Điện Biên. Ảnh: Thành Đặng

Trên cung đường từ Mường Nhé về Điện Biên.

Cung đường dọc biên giới phía Tây Việt Nam sẽ khiến bạn mất hết khái niệm giờ giấc khi đến tận 7 giờ tối mà trời vẫn còn sáng như thể mới 5 giờ chiều. Điện Biên – chảo lửa của vùng quân sự những năm 1954 sẽ chào đón bạn bằng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 rất uy nghi và anh dũng. Về Điện Biên, bạn đừng bỏ qua bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tham quan đồi A1, đồi D1, hầm tướng Đờ Cát, sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ… Tất cả đã tạo nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp năm châu như thế nào.

Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều người dân tộc Thái sinh sống, cánh đồng lúa Mường Thanh nổi tiếng từ lâu đã đi vào câu thành ngữ “nhất Thanh – nhì Lò – tam Than – tứ Tấc” để nói đến độ trù phú và rộng lớn của vựa lúa này mang lại. Bạn cũng đừng bỏ qua suối nước nóng Thanh Luông với nguồn suối nước khoáng nóng chảy ra từ lòng núi, quanh năm với nhiệt độ 60 độ C, phía bên là hồ nước nhân tạo Pe Luông trong xanh, mát mẻ, xung quanh là núi đồi bao phủ, cây cối xanh tươi, tạo nên sự hài hòa âm dương giữa trời và đất. Từ đó hình thành điểm du lịch sinh thái tắm nước khoáng nóng và nghỉ dưỡng chữa bệnh, thu hút ngày càng nhiều du khách tìm đến.

7. Sơn La – Mai Châu – Hoà Bình

Những nương chè mênh mông ở Mộc Châu.

Cung đường Sơn La – Mai Châu – Hoà Bình có lẽ là cung đường dễ đi nhất trong top 7 cung đường Tây Bắc được iVIVU.com giới thiệu. Dài hơn 250km, cung đường nhựa bằng phẳng ít đèo núi cũng khiến người đi dễ thở hơn, do đó sẽ có nhiều thời gian và sức khoẻ để khám phá những địa danh đẹp khi đi qua đây.

Nhưng không vì vậy mà vẻ đẹp thiên nhiên lại kém cạnh với những nơi khác, trái lại trải nghiệm trên cung đường này, bạn sẽ được tham quan cao nguyên Mộc Châu được nhiều người yêu thích với những nương chè xanh mướt, rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, chinh phục đỉnh Pha Luông huyền thoại, ghé thung lũng Mai Châu bình yên xinh đẹp và khám phá đập thuỷ điện Hoà Bình – công trình là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân địa phương.

 

CLICK ĐẶT NGAY Du lịch Tây Bắc: Hà Nội - Ngọc Chiến - Sơn La - Mộc Châu - Hà Nội VỚI GIÁ ƯU ĐÃI CỰC TỐT TỪ Pattours

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

  1. https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Zfhiis Zuxcnz Cialis Ouzsfi Hzjvci https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Dove Trovare Viagra

Viết Bình luận