Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận

Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận

 

(PAT TOURS) Sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của Unesco diễn ra tại Paris (Pháp) - Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
 

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu về quyết định của Ủy ban Liên chính phủ. (Ảnh: VOV)
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu về quyết định của Ủy ban Liên chính phủ. (Ảnh: VOV)

 

 

Theo thông tin mới nhất từ bà Đinh Thị Lệ Thanh UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - người có mặt tại Paris cho biết, vào hồi 23h10 hôm qua 27/11 (theo giờ Việt Nam), phiên họp lần thứ 9 Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của Unesco diễn ra tại Paris - thủ đô Cộng hoà Pháp đã chính thức vinh danh Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo bà Thanh, việc ghi danh Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

 

Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận
Bà Đinh Thị Lệ Thanh (áo đỏ) - PCT UBND tỉnh Nghệ An có mặt tại các phiên họp và bà rất vui mừng khi Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Lệ Thanh).

Theo VOV.vn, phát biểu trước toàn thể kỳ họp trong niềm hân hoan vui mừng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt nam bà Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: "Quyết định tại Kỳ họp thứ 9 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt nam về một loại hình dân ca được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày".

 

Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

 

Hồ sơ đề cử Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ.

 

Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận
Đoàn Việt Nam vui mừng khi Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Lê Thanh Phong).

 

 

Di sản Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê từ năm 2012 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng. Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

 

Việc Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới; là cơ hội quảng bá rộng rãi di sản này đến cộng đồng quốc tế.

 

Từ đó, đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca,Ví dặm Nghệ Tĩnh xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo riêng.

 

Trả lời PV Đài TNVN, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ông Nguyễn Thiện bày tỏ niềm vui và tự hào đồng thời khẳng định tỉnh sẽ có chiến lược bảo tồn, phát huy và đặc biệt là truyền dạy cho các thế hệ trẻ để gìn giữ Dân ca Ví, Giặm - nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện

 

Ông Nguyễn Thiện nói: "Đây là niềm vinh dự và tự hào chúng tôi sẽ có chiến lược và các kế hoạch với các nội dung cụ thể để phát huy thế mạnh của di sản, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tổ chức sưu tầm nghiên cứu, truyền dạy qua các sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tổ chức các liên hoan Ví Giặm các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ, chính quyền các cấp phải đầu tư kinh phí cùng với xã hội hóa để Dân ca Ví Giặm mãi mãi trường tồn".

 

Theo VOV.vn

 
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận