ĐỜN CA TAÌ TỬ NAM BỘ- di sản văn hóa phi vật thể
Đặc điểm nghệ thuật của Đờn ca tài tử
Các bài bản của Đờn ca tài tử được sáng tạo dựa trên cơ sở nhạc Lễ, nhạc Cung đình, nhạc dân gian miền Trung và Nam. Các bài bản này được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 04 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).
Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan... Từ khoảng năm 1930 có thêm đàn ghita phím lõm, violon, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm).
Người thực hành Đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,...; người đờn (Danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (Danh ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.
Đờn ca tài tử được thực hành theo nhóm, câu lạc bộ và gia đình, ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách thảnh thơi, lãng đãng, dựa trên khung bài bản cố định gọi là “lòng bản”. Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.
Đờn ca tài tử được truyền dạy theo hai hình thức: truyền ngón, truyền khẩu trực tiếp tại nhà, câu lạc bộ, gia đình, dòng họ; truyền ngón, truyền khẩu kết hợp với giáo án, bài giảng tại một số trường văn hóa nghệ thuật địa phương và quốc gia. Người học đàn cần ít nhất 3 năm để học những kỹ năng cơ bản như: rao, rung, nhấn, khảy, búng, phi, vê, láy, day, chớp, chụp…; học chơi độc chiếc, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, lục tấu với các nhạc cụ khác nhau. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc.
Người miền Nam coi Đờn ca tài tử là sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết, giỗ, cưới,sinh nhật, họp mặt,… Lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm.
Giá trị nổi bật của Đờn ca tài tử
Có lịch sử khá lâu đời và được bắt nguồn từ truyền thống văn hóa đa dạng của miền Trung và miền Nam Việt Nam, Đờn ca tài tử luôn khẳng định rõ vai trò không thể thiếu của mình trong đời sống xã hội người Việt, được cộng đồngcư dân ở vùng miệt vườn, sông nước Nam bộ tự nguyện chấp nhận, tự do tham gia thực hành, sáng tạo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Đờn ca tài tử luôn được bổ sung, làm mới bằng cách kế thừa, kết hợp giá trị âm nhạc Cung đình, dân gian; đồng thời giao lưu, tiếp biến các yếu tố văn hóa của người Khmer, Hoa và phương Tây.
Đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm và phù hợp với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường của người dân Nam bộ. Thông qua việc thực hành Đờn ca tài tử, các tập quán xã hội khác như: lễ hội, văn hóa truyền khẩu, nghề thủ công,… cũng được bảo tồn và phát huy.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử
Theo kết quả kiểm kê năm 2011, Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được thực hành tại hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình ở 21 tỉnh, thành phố miền Nam là: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phạm Phương
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận