Khu du lịch Yên Tử- điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách

 
Vị trí địa lý của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử
Khu di tích lịch sử thuộc địa bàn xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông, ở phía Tây – Bắc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Các di tích của Yên Tử xưa trải rộng đến cả vùng Ngọa Vân, Hồ Thiên (huyện Đông Triều). 
Núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều, cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, Yên Tử có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân(Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn(Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng) và được biết đến là một trong bốn “Phúc địa linh thiêng” của Giao Châu.
Trong những danh sơn nổi tiếng ở nước ta, Yên Tử là một di tích kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi hai mặt: chiều sâu lịch sử và cảnh đẹpkỳ bí của thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp hoang sơ của cõi thiền xưa, ẩnt chứa những thông tin về quá khứ, về con người và thời đại.
Cuối thời Lý, đầu đời Trần, Yên Tử đã là nơi thờ Phật và tu hành của các thiền sư: Hiện Quang, Viên Chứng, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ. Đến khi vua Trần Nhân Tông về đây tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm thì Yên Tử trở thành trung   tâm Phật giáo của nước ta từ đó. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, những công trình kiến trúc về chùa, am, tháp và những di vật cổ quý giá từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn còn lưu dấu tích, ẩn khuất giữa rừng già. Yên Tử non thiêng là bảo tàng văn hóa kiến trúc, bảo tàng động vật, thực vật phong phú. Chính nơi đây, bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rất rõ.
Linh sơn Yên Tử đã đi vào tiềm thức, là niềm tự hào của con người Việt Nam và sự ngưỡng mộ của du khách quốc tế.
Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch,..Yên Tử là nơi có điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa tâm linh, tiềm năng du lịch, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen,…để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Danh sơn Yên Tử hấp dẫn du khách khắp nơi đến nơi với đây bởi những giá trị to lớn về nhiều phương diện:
Giá trị về lịch sử
Yên Tử gắn liền với diễn biến lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu và chiến thắng lẫy lừng quân xâm lược phương Bắc, phương Tây và xây dựng đất nước. Yên Tử trở thành một trong những biểu tượng rực rỡ của tinh thần độc lập tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, một vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Giá trị về văn hóa, tư tưởng
Yên Tử là nơi vua Trân Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam, một dòng Thiền có một không hai trên thế gian này. Trong Ngài thể hiện rất rõ, quyện vào nhau ba yếu tố con người hiện thực, hướng thượng và nhập thế để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật của Việt Nam.
Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của nước nhà, là một kho tàng lịch sử và truyền thuyết phong phú, hấp dẫn. Yên Tử còn lưu những di tích lịch sử văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại.
Hệ thống chùa, am, tháp, tượng điêu khắc, bia kí,…phong phú, đa dạng của các thời đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn còn đến ngày nay ở Yên Tử, là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, là sản phẩm của nền văn minh Đại Việt, nổi bật là thời đại nhà Trần.
Tâm hồn, tư tưởng, cốt cách văn hóa của người Việt Nam phản ánh rõ nét trong từng di tích, di vật cổ ở đây. Yên Tử là cái nôi, là trung tâm Phật giáo của quốc gia Đại Việt, khơi dậy sức sống tinh thần, những giá trị văn hóa tư tưởng tích cực, ưu việt của Thiền phái Trúc Lâm, gắn bó mật thiết giữa đạo pháp với dân tộc, xây dựng nền đạo đức xã hội hướng thiện, nhân văn cao cả.
Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giáo lí Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử là sự phát triển về triết học nói riêng và tư tưởng nói chung của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XIII-XIV. Những giá trị, tinh hoa của nền triết học, tư tưởng đó mà nổi bật là tinh thần hòa giải và yêu thương vẫn tỏa sáng qua các thời đại.
Giá trị về danh thắng- du lịch
Yên Tử là khu Bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, có giá trị xây dựng và phát triển loại hình du lịch sinh thái. Nơi đây, rừng gắn với chùa tháp, nằm ẩn khuất trong rừng già đại ngàn có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Rừng tự nhiên Yên Tử giống như một mái nhà che chở, ôm di tích vào lòng, bảo vệ an toàn cho di tích. Quần thể di tích tôn giá trị của rừng. Cả rừng và di tích tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời cho Danh sơn Yên Tử.
Yên Tử có cảnh đẹp kỳ vĩ, huyền bí, linh thiêng, có thác đổ, suối reo, có tùng linh khí, thông hổ phách, rừng trúc bạt ngàn, mai vàng rực rỡ,… với thảm thực vật phong phú, tạo nên vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình”.
Yên Tử còn là vùng đất “địa linh”, nơi tàng phong tụ thủy.
Yên Tử là Tổ Sơn của vùng Đông Bắc, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, nơi kết tập tâm linh tự bao đời, tạo nên vẻ đẹp huyền diệu, quyến rũ du khách thập phương. Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt, có vị thế lớn lao trong tình cảm, tâm hồn người Việt Nam và sự ngưỡng mộ của du khách quốc tế, là trung tâm văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái hấp dẫn của nước ta.
Giá trị về quân sự
Trên đỉnh Yên Tử cao hơn nghìn mét, có thể bao quát cả một vùng rộng lớn của miền Đông Bắc Tổ quốc, là vị trí chiến lược về quân sự trong lịch sử giữ nước của cha ông ta. Trong kháng chiến chống Pháp, Yên Tử là căn cứ địa của Đệ Tứ chiến khu. Trogn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Yên Tử là nơi huấn luyện bao lớp thanh niên lên đường ra trận với tinh thần, ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Yên Tử còn là nơi thu nhận và phát đi những làn sóng thông tin phục vụ cho an ninh, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giá trị về kinh tế và nghiên cứu khoa học
Rừng Quốc gia Yên Tử với diện tích 2.783ha, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá thiên nhiên ban tặng. Ở Yên Tử, hệ thực vật có 830 loài, trong đó 38 loài cây đã ghi vào sách đỏ Việt Nam. Hơn thế nữa,Yên Tử còn rất nhiều cây có giá trị, gắn bó với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các đệ tử của Ngài trong thời gian tu hành
LỄ HỘI YÊN TỬ
Mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại về Yên Tử, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Hằng năm, từ những ngày đầu tháng Giêng,  du khách thập phương lại tấp nập về Hội xuân Yên Tử lễ Phật, du xuân “cầu may vạn phúc!”. Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng” đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian,… tưng bừng, nhộn nhịp.

Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông  đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước cùng các Quý đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về dự, thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãng cảnh Non thiêng, sơn thủy hữu tình. Hội xuân Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

Các ngày lễ quan trong trong năm ở Yên Tử:

-Ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch): Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử được tổ chức long trọng và tưng bừng. Đây là Lễ hội truyền thống có tầm vóc Quốc gia.

-Ngày 01 tháng 11 (Âm lịch): Ngày tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ngày giỗ Sơ Tổ Trúc Lâm đã được Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn làm ngày Đại lêc của Phật giáo Việt Nam.

-Ngày mùng 03 tháng 03 (Âm lịch): Ngày giỗ Đệ Nhị Tổ Pháp Loa.

-Ngày 23 tháng Giêng (Âm lịch): Ngày giỗ Đệ Tam Tổ Huyền Quang.

-Ngày 18 tháng 02 (Âm lịch): Ngày giỗ Thiền sư Chân Nguyên.

-Ngày 15 tháng 04 (Âm lịch): Ngày Đại lễ Phật Đản.

-Ngày 15 tháng 07 (Âm lịch): Ngày Đại lễ Vu lan, ngày lễ tri ân báo hiếu cha mẹ, ông bà. Lễ Vu lan được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa sâu sắc giáo dục lòng hiếu thảo của đạo làm con đối với cha mẹ, và các đấng sinh thành, lễ cầu siêu cho các linh hồn ông bà, cha mẹ, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân, các cô hồn được siêu thoát.

-Các ngày mùng 01, ngày Rằm, lễ đón Giao thừa thiêng liêng ở Yên Tử cũng được chúng tăng, ni và phật tử cùng nhân dân quanh vùng tổ chức với ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng dân gian và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận