"Kho báu” Hermitage - Nga
Nhắc đến Cung điện Mùa đông là nhắc đến Bảo tàng Hermitage - một trong ba bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, nơi sở hữu hơn ba triệu tác phẩm mỹ thuật vô cùng giá trị.
Nước Nga du ký- kỳ 2- CHOÁNG NGỢP “VENICE PHƯƠNG BẮC”
NƯỚC NGA DU KÝ- KỲ 3 V- NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG GÍAO
Cung điện Mùa đông - Những con số vô cùng ấn tượng
Kiệt tác kiến trúc theo phong cách Baroque của kiến trúc sư thiên tài người Ý Francesco Bartolomeo Rastrelli này đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua với bất cứ du khách may mắn nào đặt chân tới Saint Petersburg - cố đô phương Bắc của nước Nga vĩ đại. Dù theo ước tính, để thưởng lãm được toàn bộ, với trung bình 3 phút cho một tác phẩm, người yêu nghệ thuật phải mất tới 11 năm đi bộ qua quãng đường dài tới… 22km! Đây cũng là công trình mang dấu ấn Baroque chuẩn mực cuối cùng tại châu Âu của thiên tài kiến trúc này, khi tạo ra những không gian phức tạp, những luồng ánh sáng kỳ bí, các thức cột có kích thước lớn và chồng cao ba tầng, cửa sổ lớn hình chữ nhật, cửa bé hơn có dạng tròn - bán nguyệt hoặc oval...
Được xây dựng trong suốt 8 năm (từ 1754 đến 1762), Cung điện Mùa đông đã trở thành dinh thự chính thức trong mỗi mùa đông buốt giá đầy khắc nghiệt của bao triều đại Sa Hoàng, theo suốt chiều dài lịch sử 142 năm tồn tại (1762 - 1904). Vẻ ngoài cung điện sang trọng, tinh tế với hai màu chủ đạo xanh lam và trắng, điểm xuyết phần trang trí màu vàng ánh kim. Trong suốt thời gian tồn tại, cung điện từng được khoác nhiều màu áo khác nhau như đỏ, hồng. Màu xanh lam hiện tại xuất hiện từ năm 1946. Ba mặt tiền bên ngoài hướng ra các khoảng không gian chung rộng lớn, phần trầm mặc soi bóng xuống dòng Neva với chiều dài 200m, phần ôm trọn Quảng trường trung tâm cùng tên và phần còn lại nhìn sang tòa nhà Bộ tư lệnh Hải quân. Đến với Cung điện Mùa đông, ta chỉ có thể thốt lên một từ duy nhất: “choáng váng”.
Choáng váng vì một công trình kiến trúc nguy nga nằm trên khuôn viên rộng 90.000m2 với 1.057 căn phòng vàng son lộng lẫy, xa hoa bậc nhất và mềm mại uốn lượn lên xuống bằng 117 cầu thang. Choáng váng vì 176 lọ hoa trang trí và tác phẩm điêu khắc đẹp tinh tế gắn trên các lan can, vì mỗi căn phòng đều đón ánh mặt trời hào phóng chiếu rọi nhờ 1.945 cửa sổ. Choáng váng vì 150m chiều dài mặt tiền chính, 30m chiều cao và số lượng 1.786 cửa lớn mà cung điện sở hữu. Các thức cột, đường diềm, tượng trang trí phù điêu được những bàn tay tài khéo của thợ thủ công Nga chăm chút kỹ lưỡng, chạm trổ tinh xảo trên những mảng tường trắng như tuyết, mang lại cho từng căn phòng cảm giác mát lạnh, rộng mênh mông. Phần cung điện chính ban đầu được thành hình nhờ sự lao động miệt mài của hơn 4.000 người thợ. Và sau một lần bị thiêu rụi vào năm 1837, 6.000 công nhân, thợ thủ công đã làm việc cật lực suốt 15 tháng để cung điện tái sinh, sừng sững định vị sức mạnh và sự vĩ đại của đế quốc Nga - như mong muốn tối thượng của các triều đại Sa Hoàng.
Thiên đường trong mơ của người yêu nghệ thuật
Theo những cầu thang nạm vàng, trải thảm đỏ dẫn lên những căn phòng nguy nga lộng lẫy, những bức tường rộng trong năm tòa cung điện nối tiếp nhau tưởng như không bao giờ dứt chính là không gian tuyệt vời để những kiệt tác hội họa - điêu khắc, những bức tranh tường, tranh trên vòm trần, những bức tranh thảm dệt bằng kỹ thuật tinh xảo… thỏa sức phô bày vẻ quyến rũ không thể chối từ. |
Để đặt chân vào “thiên đường trong mơ” này, mỗi du khách phải bỏ ra khoản tiền 600 ruble (khoảng 250 nghìn đồng). Bảo tàng không có mức vé combo cho những vị khách muốn trải nghiệm vài ngày lang thang. Giá ưu tiên chỉ dành cho đối tượng sinh viên - học sinh và nhà nghiên cứu. Vé có ghi rõ cả giờ vào cửa nhằm phân bố đồng đều lượng khách tham quan trong ngày. Nhưng bởi lượng du khách trong và ngoài nước đổ về đây quá đông nên rất hiếm khi bạn được thưởng thức vẻ đẹp mê hoặc của các tác phẩm nơi đây trong một bầu không khí tĩnh lặng, vắng vẻ. Mỗi người được phát một bộ tai nghe, để tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên không gây ảnh hưởng đến những đoàn khách khác. Giờ tham quan hàng ngày được quy định từ 10h30 đến 18h00. Riêng thứ Tư, không biết vì lý do gì, được kết thúc vào lúc 21h00, tức là kéo dài hơn ba tiếng.
Hermitage quá rộng lớn, quá nhiều tác phẩm nghệ thuật đắt giá nên để có thể tham quan đủ các không gian chính, được phân loại theo mốc thời gian và ranh giới địa lý, lãnh thổ, chúng tôi phải di chuyển rất nhanh, thậm chí đi lướt qua phần lớn tuyệt phẩm. Bởi không thể ngắm nghía kỹ lưỡng từng tác phẩm, tôi chọn cách vừa chạy vừa chụp hình, nhiều nhất có thể. Để khi hành trình kết thúc, có thể nhẩn nha tua lại từng tấm ảnh và thỏa sức “nhấm nháp” vẻ đẹp của chúng, cho đỡ phần nào tiếc nuối.
Ngoài bộ sưu tập đến từ các nền văn minh cổ đại từng phát triển rực rỡ như Ai Cập - Hy Lạp - La Mã, ngoài những pho tượng điêu khắc với vẻ đẹp bay bổng, thoát tục của thời kỳ Phục Hưng, Hermitage còn chứa đựng một kho tàng vô giá những tác phẩm nghệ thuật phương Đông (Ai Cập, Ấn Độ, Persia, Trung Quốc, Nhật Bản và Byzantium), Tây Âu (Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Anh, Pháp…). Và đương nhiên - các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa Nga đỉnh cao. Trong đó, bộ sưu tập hội họa Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có tới 180 bức tranh sơn dầu lớn nhỏ, vốn đều được đánh giá là những kiệt tác của nền mỹ thuật châu Âu và thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bộ sưu tập hội họa các quốc gia Tây Âu mà Hermitage đang sở hữu cũng được xếp hàng đầu.
Theo những cầu thang nạm vàng, trải thảm đỏ dẫn lên những căn phòng nguy nga lộng lẫy, những bức tường rộng trong năm tòa cung điện nối tiếp nhau tưởng như không bao giờ dứt chính là không gian tuyệt vời để những kiệt tác hội họa - điêu khắc, những bức tranh tường, tranh trên vòm trần, những bức tranh thảm dệt bằng kỹ thuật tinh xảo… thỏa sức phô bày vẻ quyến rũ không thể chối từ. Nghe nói, hai phần ba kho báu Hermitage hiện đang được lưu giữ trong các kho tàng của cung điện, với một chế độ bảo quản vô cùng nghiêm ngặt. Những tuyệt tác của những danh họa hàng đầu thế giới như Rubens, Rembrant, Rafael, Reynolds, Leonard De Vinci, Monet, Michelangelo, Renoir, Paul Cezanne, Vincent Van Gogh, Paul Gauguin… khiến trái tim tôi như tan chảy vì hạnh phúc, dù mới chỉ được diện kiến một phần ba kho tàng vô giá ấy mà thôi.
Hồ Cúc Phương
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận