Về lại cố đô xưa: Cố đô Hoa Lư

Không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt, cố đô Hoa Lư còn là 1 trong 4 vùng lõi của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và là điểm thăm quan du lịch không thể bỏ qua ở miền Bắc Việt Nam.

Cảnh sắc Hoa Lư - Ninh Bình nhìn từ trên cao

 

Điểm du lịch cố đô Hoa Lư được quản lý bởi Ban Quản lý Quần thể di sản thế giới danh thắng Tràng An. Hành trình thăm quan thông thường khi về cố đô này được tổ chức theo trình tự đi từ Cửa Đông – Đền Vua Đinh Tiên Hoàng rồi đến đền Vua Lê Đại Hành; Nhà bia Vua Lý Thái Tổ; Đình Yên Thành; chùa Nhất Trụ; Đền thờ công chúa Phất Kim; Phủ Vườn Thiên và Lăng vua Đinh, Lăng vua Lê...


Nếu có đủ thời gian, du khách có thể thăm quan nhiều điểm khác trong Quần thể di sản thế giới danh thắng Tràng Anh như: Đền thờ thánh Nguyễn; Đền thờ thần Cao Sơn; Động tối; Cổng tam quan; Tháp chuông; điện Quan Âm… Khu sinh thái Tràng An; Động Hoa Lư; Đông Thiên Tôn…


Hệ thống di tích ở cố đô Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lừng lẫy trong lịch sử thuộc ba triều đại Nhà Đinh; Nhà Tiền Lê và khởi đầu của nhà Lý.


Đến năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Hoa Lư trở thành Cố đô. Mặc dù các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn không còn đóng đô tại Hoa Lư nhưng vẫn tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc ở cố đô này, vì vậy dễ hiểu tại sao Di tích cố đô Hoa Lư lại có nhiều đền, chùa, lăng, phủ….


Khu di tích Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch là 13,87 km2, với diện tích rộng như vậy cùng với số lượng di tích khá dày, du khách chỉ có thể chọn những tuyến đi nhất định cho 1 ngày thăm quan. Tuyến đường thăm quan phổ biến nhất bắt đầu từ cửa Đông – Đền vua Đinh Tiên Hoàng, đây là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt trong quần thể di sản. Đền là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng và cha mẹ vua cùng các con trai, đền cũng có cả khu vực đặt bài vị thờ các tướng triều đình. Đền Đinh Tiên Hoàng được xếp hạng “Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”. Phía trước mặt đền là núi Mã Yên – ngọn núi có hình dáng giống yên ngựa. Lăng mộ của vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng trên đỉnh núi này.


Gần với đền vua Đinh Tiên Hoàng là đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng dưới thời nhà Lý và được dựng lại vào thời Hậu Lê. Hai ngôi đền đều được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa. Nét đẹp độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ, các tác phẩm chạm khắc gỗ ở đây có niên đại từ thế kỷ 17, thời điểm nghệ thuật chạm gỗ đạt tới trình độ điêu luyện vô cùng tinh tế.

 

Di tích tiếp theo trong hành trình về lại cố đô Hoa Lư là Đền thờ Công chúa Phất Kim. Đền được xây vào thời Tiền Lê, nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ . Có nhiều giả thiết cho rằng vị trí xây dựng đền nằm trên nền nhà cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây công chúa từng ở. Giếng nước nơi bà nhảy xuống tự tử hiện nay vẫn còn phía trước đền. Đền thờ Công Chúa Phất Kim được xây dựng để suy tôn một người phụ nữ Việt Nam hiền lành, trung hậu dù phải trải qua rất nhiều sóng gió cuộc đời.


Công trình tiếp theo trong hành trình lại là một ngôi đền mới được xây dựng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đó là đền vua Lý Thái Tổ. Việc xây dựng ngôi đền Vua Lý Thái Tổ ở Hoa Lư nhằm khẳng định vai trò của cố đô Hoa Lư đối với vua Lý Thái Tổ, đây cũng là đền thờ đầu tiên thờ riêng vua Lý Thái Tổ. Ngôi đền được xây dựng mới không có kiến trúc như những ngôi đền cổ kiểu “nội công ngoại quốc” thay vào đó lại có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa. Tuy nhiên, trong khi đang thi công thì dự án bị đình lại vì phát hiện các di vật cổ dưới lòng đất vì thế nơi này hiện nay là chỉ có nhà bia vua Lý Thái Tổ.


Hành trình về miền cố đô không thể bỏ qua một di tích đặc biệt đó là chùa Nhất Trụ. Chùa Nhất Trụ còn được gọi là chùa Một Cột, cùng với đình Yên Thành, chùa nằm gần đền vua Lê Đại Hành và được chính vua Lê Đại Hành ra lệnh xây dựng. Mặc dù chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ và sửa chữa nhưng hiện nay tại chùa vẫn còn cột kinh Phật có niên đại từ hàng nghìn năm, cột kinh này được công nhận là thạch kinh cổ nhất Việt Nam và hiện đang được các nhà nghiên cứ lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới.


Chùa Một Cột ở Hà Nội hiện nay được cháu ngoại của vua Lê Đại Hành chính là Lý Thái Tông cho xây dựng dựa theo kiến trúc chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư.


Phủ Vườn Thiên cũng là một di tích đáng chú ý tại cố đô. Phủ cách trung tâm di tích cổ Hoa Lư khoảng 600 mét có kiến trúc quy mô như một ngôi đền với 3 tòa chầu vào giữa sân. Phủ được xây dựng để làm đền thờ hoàng tử Lê Long Thâu, con cả của vua Lê Đại Hành. Hoàng tử được phong là Kình Thiên Đạ Vương năm 989 và mất năm 1000. Hoàng tử Lê Long Thâu là người cai quản Tháp Tư thiên – một ngọn tháp dùng để quan sát các hiện tượng thiên nhiên, dự đoán thời tiết hàng ngày để trình vua.

 

Trên một cung đường thăm quan đã có nhiều di tích như vậy phần nào cho thấy sự đa dạng, hấp dẫn khi về thăm cố đô Hoa Lư. Không chỉ đơn giản là một chuyến thăm quan du lịch, hành trình về lại cố đô xưa còn đưa du khách về với cội nguồn để có thể hiểu thêm về những gian nan trong công cuộc dựng nước, giữ nước của ông cha; hiểu hơn về giá trị nhân văn, giá trị văn hóa qua những công trình kiến trúc trường tồn của dân tộc.

 

Nguồn: Cinet
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận