Võ cổ truyền Bình Định và nhạc võ Tây Sơn

VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH

    Truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào trong máu thịt người dân Bình Định. Nơi đây đã sản sinh ra những con người có tài thao lược làm rạng danh đất võ anh hùng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Đất võ Bình Định và phái võ thuật Tây Sơn đã tạo nên những chiến công vang dội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành bản sắc dân tộc mang nét rất riêng Bình Định: “Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền.”

    Võ cổ truyền đã trở thành một di sản Văn hóa, một nét đẹp riêng của người dân Bình Định. Đến đây, ngoài việc xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân lao động bình thường nơi thôn dã với các địa danh nổi tiếng như “ roi Thuận Truyền, quyền An Thái ” hoặc “trai An Thái, gái An Vinh” (Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận – Tây Sơn, An Vinh thuộc xã Tây Vinh – Tây Sơn , An Thái thuộc xã Nhơn Phúc – An Nhơn) hoặc chùa Long Phước (xã Phước Thuận – Tuy Phước) là những nơi xuất phát của võ cổ truyền Bình Định. Du  khách có thể đến nhà biểu diễn võ thuật Tây Sơn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung hoặc các võ đường khác như: Phan Thọ (Bình Nghi – Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận – Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Đập Đá – An Nhơn), Phi Long Vịnh (Phước Sơn – Tuy Phước),… để tận mắt chiêm ngưỡng các cô gái chàng trai trong những bài quyền, roi, kiếm… mạnh mẽ, uyển chuyển.

    Đặc biệt trong kho tàng võ cổ truyền Bình Định hiện nay còn lưu giữ nhiều bài võ đặc sắc góp phần làm cho võ Bình Định thêm nổi tiếng: bài “U Linh Thương” của Vua Lý Công Uẩn, ‘‘Hùng Kê Quyền’’ của Nguyễn Lữ, “Lôi Long Đao” của Đô đốc Võ Văn Dũng, ‘‘Song Phượng Kiếm’’ và ‘‘Tuyết Hoa Song Kiếm” của Đô đốc Bùi Thị Xuân, ‘‘Lôi Phong Tùy Hình Kiếm’’ của Đô đốc Trần Quang Diệu và nhiều bài quyền, roi đặc trưng của Bình Định như: “ Roi Hắc Đảnh Ô Sơn”, “ Roi Thái Sơn”, “ Ngọc Trản Quyền”…, qua thời gian, nó vẫn sáng chói như một "chén ngọc" với những bí quyết võ công vô giá.

NHẠC VÕ TÂY SƠN

    Là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỉ XVIII. Đây là loại võ nhạc nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong luyện tập cũng như trong chiến đấu. Cũng theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến đấu oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

    Nhạc võ Tây Sơn gồm 1 bộ 12 cái trống để tượng trưng cho 12 giáp. Bộ trống được dựng thành giàn theo thứ tự 3 hàng từ lớn đến nhỏ. Người cử trống đánh cả 2 tay và cùi chỏ, cùng hai dùi trống (gọi là roi), dài khoảng 30 phân, đánh cả 2 đầu. Đưa hai tay lên múa là có thể đánh cả bốn mặt trống hay tang trống một lúc. Vào một bài trống gồm 3 hồi: Xuất quân - Xung trận hãm thành - Ca khúc khải hoàn, nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Và đặc biệt là người đánh trống vừa đánh trống vừa di chuyển chứ không ngồi như nhạc công tấu nhạc.

 

 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận