Chinh phục Tây Tạng, vùng đất kỳ bí nhất thế giới
- 08/09/2016
- Admin
- 0 Bình luận
tây-tạng-đạt-lượng-khách-kỷ-lục-vào-năm-2014
cung-điện-potala-bảo-tàng-văn-hóa-tây-tạng
Thách thức và khó khăn mà các đoàn đi trước đã gặp chỉ càng thôi thúc các phượt thủ quyết tâm sớm đặt chân tới Tây Tạng, miền đất được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới".
Cao nguyên Tây Tạng huyền bí
Từ Hà Nội du khách phải bay tới Thành Đô, Trung Quốc trước khi bay tiếp đến Lhasa – thủ phủ Tây Tạng. Cảm xúc trào dâng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Gongga. Bầu trời Lhasa xanh ngắt và thời tiết khá lạnh. Dù sung sướng cực độ nhưng không ai cười lớn hay bước chân gấp gáp theo đúng lời khuyên của những người có kinh nghiệm.
Bữa ăn đầu tiên tại Lhasa thật tuyệt với món thịt bò yak, trà bơ, há cảo kiểu Tây Tạng. Từ chỗ ngồi nhìn chéo sang Đại Chiêu Tự (Jokhang Temple) cóthể thấy dòng người hành hương lũ lượt tiến vào, lẫn trong đó là những tín đồ mộ đạo đang thực hiện nghi lễ tam bộ nhất bái, ngũ thể nhập địa một cách thành kính.
Tu viện Ganden, đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất Tây Tạng. Ảnh: Trần Minh Tuấn. |
Ngay sau bữa trưa là hành trình khám phá Tây Tạng. Điểm đến đầu tiên là tu viện Ganden, đại tu viện Phật giáo đầu tiên và lớn nhất Tây Tạng, nằm cách Lhasa khoảng 45 km ở độ cao 4.300 m. Sau con đường toàn những khúc cua tay áo như một chú rắn xanh lục trườn dốc từ dưới bình nguyên lên tận đỉnh núi, tu viện Ganden hiện ra rực rỡ với hai màu trắng và đỏ sậm đặc trưng.
Trong tiết trời khá lạnh và cảm giác tức thở vì độ cao, mọi người chậm rãi leo từng bước lên tu viện. Lác đác có một vài thành viên phải dừng lại dọc đường vì mệt. Trời đột ngột đổ mưa đá khi chỉ nửa tiếng trước đó vẫn còn nắng gắt. Càng đi du khách sẽ càng hiểu thêm cái thất thường của thời tiết Tây Tạng – mới nắng mà đã mưa, vừa qua bão tuyết đã là trời xanh.
Sáng hôm sau, trời mây mù nhiều. Trận mưa tuyết đêm trước để lại một lớp tuyết dầy trên nóc các xe ô tô đậu ngoài khách sạn. Bữa sáng gồm trà bơ, bột đại mạch Tsamba và các món ăn đặc trưng khác giúp mọi người nạp năng lượng để tiếp tục hành trình. Điểm đến là cung điện Potala, thánh địa của người Tạng, nơi các vị Đạt Lai Lạt Ma ngự và hóa.
Potala được xây dựng trên đỉnh đồi ở độ cao 3.600 m với những bức tường dày từ một đến 5 m. Tổng thể cung điện cao 117 m với 13 tầng, bên trong là Hồng Cung và Bạch Cung với hơn 1.000 phòng nhỏ và gần chục nghìn Phật điện. Trong cung điện đến nay vẫn còn lưu giữ thi hài của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Hòa vào dòng người đông đúc tới thăm Potala, du khách sẽ phải leo vài trăm bậc đá đến cửa Bạch Cung. Vì không khí loãng bằng 68% mức thông thường ở đây nên ai cũng thở khó nhọc trong gió khan và nắng cháy. Nếu may mắn, trong lúc xếp hàng chờ lên thăm Hồng Cung, bạn sẽ bắt gặp những phụ nữ Tạng vừa hát vừa bước đều, nhịp chày nện đất nhịp nhàng trong tay. Tiếng hát thật mê hoặc, mang âm hưởng mênh mông và bí ẩn đặc trưng của Tây Tạng.
Chinh phục Everest Base Camp
Sau khi khám phá Lhasa, để bắt đầu hành trình chinh phục Everest Base Camp (EBC) kéo dài gần 3 ngày, du khách phải xuất phát từ sớm và đến Shigatse, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, cách Lhasa gần 300 km. Shigatse cao 3.700 m trên mực nước biển, do đó bạn nên mang theo bình oxy và mua trước thuốc chống sốc độ cao.
Cảnh vật dọc đường thật hùng vĩ, với nhiều khúc đèo quanh co, núi tiếp núi, mây tiếp mây. Các tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư trên xe đều hoạt động hết công suất. Từ đỉnh đèo Gangbala, du khách có thể nhìn thấy hồ Yamdrok, một trong 6 thánh hồ ở Tây Tạng – xanh như ngọc và uốn lượn tựa dải lụa.
Hồ Yamdrokso,một trong 6 thánh hồ của Tây Tạng. |
Tu viện Tashi Lhunpo tại Shigatse do đích thân vị Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên của Tây Tạng là Gedun Truppa giám sát xây dựng từ năm 1447. Đây cũng là nơi Ban thiền Lạt ma, nhân vật có tầm ảnh hưởng thứ nhì chỉ sau Đạt lai Lạt ma, trụ trì. Tại thời kỳ hưng thịnh nhất, tu viện này có tới 4.000 nhà sư tu tập tại 4 viện theo 4 dòng phật giáo Mật Tông. Cảnh vật tại Tashi Lhunpo gây ấn tượng mạnh đối với du khách, đặc biệt là các tay săn ảnh, nhờ vào các dãy nhà sơn trắng toát, đỏ sậm, các lối đi rợp bóng cây xanh, các tòa tháp dát vàng lung linh giữa nền trời mây xanh ngắt.
Shegar là trạm dừng chân cuối cùng trước khi chinh phục EBC. Từ mờ sáng, xe đưa khách lên đường khi trời còn tối đen. Từng người phải xuất trình hộ chiếu để kiểm tra và đối chiếu với giấy phép cấp cho đoàn tại một trạm kiểm soát của quân đội gần đó. Sau khoảng 1h chạy xe, Everest hiện ra xa xa trước mắt cùng với hàng loạt đỉnh núi cao được mặt trời rọi ánh nắng vàng tuyệt đẹp, lấp lánh trong bình minh.
Từ đây, xe bắt đầu đi vào đoạn đường đất đá, xóc và rung bần bật, cảm giác như mọi ốc vít đều sắp bung ra. Bạn sẽ cảm thấy mình như đang đi vào một thế giới khác với tầm nhìn vô tận, lúc thì băng qua những dãy núi sừng sững, khi lại vượt qua những thảm băng tuyết trắng xóa. Chốc chốc lại có một chiếc Land Cruiser hoặc Pajero Extreme chạy vượt qua, để lại vệt khói bụi mịt mù.
Tới hơn 10 giờ sáng, du khách mới đến một điểm cao duy nhất mà từ đó có thể thấy và chụp ảnh EBC. Bạn nên chú ý việc sử dụng băng rôn trên EBC bị quân đội tuyệt đối cấm. Điểm đến tiếp theo là Tent City, một thung lũng lớn nhìn thẳng vào EBC, nơi có rất nhiều lều bạt của người Tạng dựng lên để phục vụ khách du lịch nghỉ chân để chuẩn bị cho chặng cuối cùng – đi bằng xe buýt của chính phủ - chỉ cách EBC chừng 10 km.
Khung cảnh núi non hoang sơ và kỳ vĩ. |
Theo chiếc xe buýt cà tàng lao nhanh về phía trước, EBC hiện ra với một bãi đá lởm chởm kẹp giữa ngọn đồi nhỏ và lô cốt quân đội. Đằng sau là đỉnh Everest với tấm bia Mt. Quomolangma Base Camp 5.200 m - bằng chứng xác nhận đây chính là EBC. Quomolangma là cách gọi của người địa phương cho đỉnh Everest huyền thoại.
Leo lên ngọn đồi trước mặt, thời tiết không đến nỗi quá lạnh và gió, nhưng mỗi bước là cả một sự nỗ lực lớn. Bạn sẽ cảm nhận được cơn khát oxy của cơ thể, khi mà tim đập rất mạnh dù đã bước thật chậm. Quãng đường 50m tưởng như dài vô tận. Tuy nhiên, tất cả như vỡ òa trong sung sướng khi cuối cùng đã đặt chân đến tận mắt chiêm ngưỡng đỉnh Quomolangma hùng vĩ trắng xóa trên nền trời xanh.
Điều đặc biệt là, không phải ai lên đến EBC cũng đều có thể nhìn thấy ngọn núi cao nhất thế giới bởi thời thiết liên tục thay đổi, thoắt nắng, thoắt mưa và mây mù che phủ. Nhiều người cho rằng phải có duyên và lòng thành thì mới được chiêm ngưỡng dung nhan của đỉnh núi thiêng liêng này.
Lê Hoàng Lân
Bài viết cùng danh mục:
- 08 September 2016
- 0
- 08 September 2016
- 0
- 0 Bình luận