Khu du lịch Hầm Hô-Tây Sơn (Bình định)
Hầm Hô thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cách Thành phố Qui Nhơn 50km về phía Tây Bắc. Nằm trong lòng sông Kút đổ ra sông Kôn có dòng nước quanh năm xanh biếc, vẻ đẹp Hầm Hô thật kỳ vĩ. Trước mắt du khách là cảnh núi rừng trùng điệp. Hai bên bờ sông rừng cây nguyên sinh rợp bóng mát là vách núi dựng đứng. Lòng sông có những dãy đá Hoa Cương nhiều hình thù kỳ lạ muôn màu lóng lánh, rực rỡ tạo nên kho tàng đá đầy huyền thoại. Nước sông cuộn chảy quanh co theo các ghềnh thác với các địa danh rất sử thi và lãng mạn như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải, Cửa Sanh, Cửa Tử, Thác Cá Bay, Vũng Cá Rói, Hòn Trào, Hòn Lò Rượu, Dấu Chân Khổng Lồ... luôn tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, sảng khoái.
Có thể nói cảnh quan, trời mây, sông nước Hầm Hô như là cảnh tiên thật “Sơn thủy hữu tình” càng đi vào sâu, cảnh vật càng kỳ thú, hương rừng ngào ngạt, chim hót líu lo làm cho cuộc sống thêm thi vị. Hầm Hô còn có nhiều tên gọi khác nữa là: Linh Đỗng, Lộc Đỗng, Đồng Hưu, Lộc Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt ở địa phương. Một di tích danh thắng có núi rừng đại ngàn trùng điệp, rộng hàng chục ngàn hecta. Có nhiều sông, suối trong mát đi qua để lại bao bến nước, vực sâu, thác cao, hang hầm thật êm đềm, thâm sâu, kỳ vĩ.
“ Hầm Hô nước chảy trong xanh
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo”
Thuở xưa cư dân khẩn hoang, lập ấp tôn sùng Hầm Hô là vùng đất linh thiêng. Khi nắng hạn dân làng tới Hầm Hô vào ban đêm cúng trời đất, sơn thần, thủy thần dâng lễ cầu mưa. Nửa đêm giờ tý canh ba lễ cầu mưa diễn ra tại vị trí có tên gọi là Miệng Hầm Hô hoặc Thác Cá Bay. Mọi người cùng xuống sông “ Đập thác kêu trời “ và đổ lá thuốc Đơn Đơn đã giã nhỏ xuống sông làm cho Tôm, Cua, Chình, Cá bị chết. Trời đất, thủy thần phải cho mưa để cứu binh tôm, tướng cá, nếu không có mưa thì lá thuốc sẽ ngấm theo dòng chảy tiêu diệt các loài thủy sinh cả con sông dài. Khi lễ cầu mưa bi thiết đã thấu trời đất, thánh thần, thì giữa đêm thanh vắng bỗng nghe rõ những âm thanh ào ào như nước cuốn, vù vù như gió bay, lẫn trong ấy có tiếng hô hoán của đông người như tiếng thần linh đang hú gió, gọi mây. Quả nhiên sau đó là một trận mưa giông thật lớn, nước sông tràn trề, đồng ruộng xanh tươi trở lại. Nơi diễn ra lễ cầu mưa là một dãy đá to lớn, chắn ngang dòng sông làm nước dâng cao lên. Nước không chảy tràn qua dãy đá, mà thoát về hạ lưu ầm ầm bằng con đường hầm sâu dưới chân dãy đá. Nhìn và nghe nước chảy vào hầm sâu như một cái miệng khổng lồ đang uống nước cả dòng sông, lá thuốc Đơn đơn cũng được đổ xuống nơi này, những âm thanh báo mưa cũng phát ra rõ ràng và mạnh mẽ nhất tại đây, vì vậy mà có tên gọi là “Hầm Hô”.
Cho đến nay trước những cơn mưa lớn vào mùa nắng hạn những âm thanh ấy vẫn còn xảy ra. Ngoài cảnh quan danh thắng Hầm Hô còn là một vị trí chiến lược quân sự tự cổ chí kim, là căn cứ địa quan trọng trong phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn, phong trào Cần Vương của nguyên soái Mai Xuân Thưởng, chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận