về Bình Định, viếng Đồi Thi Nhân

 

 

Đồi Thi Nhân nằm trong quần thể các di tích Gành Ráng-Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Đây là vị trí rất thơ mộng. Du khách nào đến đây cũng làm chuyến vượt dốc lên đồi Thi Nhân, qua dốc Mộng Cầm để thăm mộ Hàn Mặc Tử…

Lúc sinh thời, thi sĩ Hàn Mặc Tử vốn rất thích quang cảnh Đèo Son của thành phố Quy Nhơn và ao ước khi mất đi sẽ được chôn ở đây. Khi ông mất, gia đình và bạn bè của thi sĩ xin được cải táng mộ Hàn đến Đèo Son nhưng không được chấp thuận, vì đây là khu quân sự nên đành đưa di cốt thi sĩ họ Hàn đến Gành Ráng. Gành Ráng là một phần của chân núi Xuân Vân. Nơi đây hội tụ nhiều cảnh đẹp của thiên nhiên. Đường lên đồi là một con dốc thoai thoải. Tháng 2/1959, hài cốt Hàn Mặc Tử được người thân và bạn bè cải táng từ trại phong Quy Hòa về Gành Ráng. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, nơi đây đã trở thành điểm đến của nhiều du khách yêu thơ Hàn Mặc Tử . Khi qua con dốc để đến mộ chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh, ai đó đã đặt tên là dốc Mộng Cầm để mộ chàng thi sĩ bớt quạnh quẽ, cô đơn. Từ đó, ngọn đồi Gành Ráng còn được gọi là đồi “Thi Nhân”. Năm 2008, ngôi mộ của Hàn Mặc Từ được cải táng, người thân của ông xây tượng Đức Mẹ dang tay như ôm lấy người nằm trong huyệt mộ và được lát đá hoa cương. Hướng mộ quay lưng vào núi, trước mặt là vịnh biển yên bình hình vầng trăng khuyết. Đứng tại vị trí này, du khách có thể phóng xa tầm mắt đến bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại.

Xung quanh mộ Hàn được trồng cây xanh, làm phù điêu... trên diện tích khoảng 1 ha. Ấn tượng nhất là cả một vườn thơ, khắc ghi lại những vần thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. Cổng vào vườn thơ là phiến bê tông giả gỗ đề câu: “Trăm năm vẫn một lòng yêu/Và còn yêu mãi, rất nhiều em ơi!”. Trong vườn thơ ấy, tất nhiên không để thiếu câu “Người đi một nửa hồn tôi mất/một nửa hồn kia bỗng dại khờ” viết kiểu thư pháp.

Gành Ráng nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn, nhưng không gian ở đây rất tĩnh lặng. Nếu ai có dịp đến đây vào lúc sáng sớm hoặc lúc trời chiều nhạt nắng sẽ cảm nhận được một không gian êm đềm. Đồi Thi Nhân thấm đượm vẻ buồn nên thơ - mọi người thường bảo đó là thời khắc “rất Hàn”. Vào những đêm trăng, nhiều khách yêu thơ thường đến đây thưởng nguyệt, ngâm thơ Hàn. Không ít các du khách tìm đến đây vào đêm trăng ngồi bên mộ “tâm sự” với thi sĩ. Giới văn nghệ sĩ bảo nhau nên đến Gành Ráng dễ có những vần thơ hay bởi “sẽ được Hàn Mặc Tử truyền lửa”. Dưới ánh trăng vằng vặc soi rọi xuống mặt biển, vắt vẻo trên cành cây, không gian tĩnh mịch của Gành Ráng khiến người ta phải “tức cảnh sinh tình”, dạt dào ý thơ...

Qua khỏi đồi Thi Nhân, đổ xuống một con dốc chừng vài trăm mét là bãi Đá Trứng. Chân núi giáp biển là những tảng đá thẳng đứng, hiểm trở. Bãi biển toàn những đá cuội. Dân địa phương kể rằng, ngày trước, hoàng hậu Nam Phương thường đến đây ngắm biển nên bãi Đá Trứng còn có tên gọi khác là bãi tắm Hoàng Hậu. Trên bãi, đá cuội xếp chồng lên nhau tạo thành bãi biển độc đáo nhất ở Việt Nam. Những vách đá thẳng đứng được ví như những người lính kiên cường, canh giữ bãi tắm này. Cách đó khoảng 1.000 mét là bãi tắm Tiên Sa. Dường như tạo hóa có phần thiên vị khi ban tặng cho Gành Ráng nhiều bãi tắm đẹp với phong cảnh thi vị. Điều đó để lý giải tại sao du khách rất khó tìm được những bãi tắm tương tự ở bất cứ điểm du lịch nào khác.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận