Lại một thoáng Tây An

Sáng sớm trời chỉ hơi se lạnh, đủ để quý bà, quý cô khoác thêm chiếc áo mỏng khi dạo bước trên tầng cao của cổ thành, hoặc làm duyên lúc đứng trước tượng đài Dương Quý Phi ở Hoa Thanh Cung. Còn chiều tối, cả thành phố cứ chập chờn trong sương trắng. Sương trắng chảy dài như không dứt từ đỉnh núi Ly Sơn. Tây An có cây phong, nhưng không nhiều bằng cây ngô đồng. Rất nhiều đường phố trong nội thành rợp bóng ngô đồng, tạo thành những vòm xanh mút mắt. Đã giữa thu, phong bắt đầu đỏ lá, nhưng ngô đồng thì chỉ mới chớm vàng.



 Đường nhiều tầng giữa đất Hàm Dương


Lần này Sam Lee, Phó Giám đốc Công ty Xian Golden Bridge đã giới thiệu khi xe vừa ra khỏi cổng sân bay: “Chúng ta bắt đầu bay trên con đường cao tốc dài trên dưới 40 cây số, qua nhiều cụm cầu vượt còn mới để vào thành Tây An, cố đô kéo dài 1.300 năm tiếp sau triều đại Tần Thủy Hoàng, nay là trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực Tây Bắc của Trung Quốc”.Không biết có phải duyên may hay không mà cứ mỗi lần đến Tây An, tôi lại được nghe một lời giới thiệu rất ấn tượng về thành phố này. Năm 2001, khi vừa bước xuống cầu thang máy bay, Vương Tiếng Liêng, cô hướng dẫn viên người Bắc Kinh chưa một lần sang Việt Nam nhưng lại hát khá hay một vài câu dân ca quan họ, biết nói lái theo cách miền Trung và kể chuyện tiếu lâm “mặn” của miền Nam, đã nói: “Người dân Tây An của chúng tôi thường bảo nhau rằng nếu Chủ tịch Mao Trạch Đông đã cho độc lập thì Tần Thủy Hoàng đang cho cơm áo”.


Còn bây giờ, nghĩa là chỉ bảy, tám năm sau, từ sân bay quốc tế về khu trung tâm của nội thành, ôtô có thể “bay” trên đường cao tốc chẻ giữa bình nguyên rộng bao la của đất Hàm Dương, với năm sáu chùm cầu vượt ba bốn tầng, dẫn ra bảy tám nhánh đường chạy hun hút vào các khu dân cư, các cụm công nghiệp, các tiểu vùng kinh tế sâu trong bình nguyên. Có người đã gọi hệ thống chùm cầu vượt trên tuyến đường cao tốc ấy là tác phẩm nghệ thuật của nghệ thuật xây dựng cầu đường. Nếu có dịp được “bay” suốt chiều dài của con đường vào ban đêm, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh lung linh, mờ ảo của những con đường “chảy” từ những chùm cầu vượt, dưới ánh đèn cao áp rất đẹp.“Tần Thủy Hoàng đang cho cơm áo”, “Bay trên đường cao tốc với những cụm cầu vượt…”. Hai lời giới thiệu tưởng chừng như bất chợt của hai người bạn Trung Quốc dù cách nhau gần tám năm lại là hình ảnh mô tả rất thật về bước phát triển kinh tế và đời sống xã hội của Tây An. Cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ trước, thành phố này vẫn còn phải dựa vào các dịch vụ du lịch, vào các “kho” Binh Mã Dũng. Không chỉ trong các khu bảo tàng, mà tại tất cả các điểm phục vụ khách du lịch, các quầy hàng, cửa hiệu khắp thành phố đều bày bán tượng Binh Mã Dũng bằng đất nung. Đó là “cơm áo của Tần Thủy Hoàng” theo cách nói của người dân Tây An.

Tôi hỏi Sam Lee: “Bằng cách nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, Tây An đã xây dựng xong hệ thống cầu đường khổng lồ, hiện đại và đẹp đến thế?”. Sau chút suy nghĩ, Sam Lee trả lời: “Với người Trung Quốc, làm bất cứ việc gì hơi lớn một chút là phải coi ngày, coi giờ. Vì vậy, tất cả buộc phải thực hiện đúng ngày và nhất thiết không được sai giờ”.

Nhịp sống và bàn tiệc chữ thảo


Nhịp sống của người dân Tây An thể hiện khá rõ qua sự hối hả của dòng người đến các trạm xe buýt vào đầu giờ mỗi buổi sáng. Sam Lee nói về thực tế sinh động ấy: “Không lững thững như ngày xưa, dân Tây An bây giờ đã học được cách đi như chạy của người Bắc Kinh”. Phương tiện đi lại chủ yếu của thành phố tám triệu dân này là xe buýt, ôtô con và taxi. Thi thoảng mới thấy một vài xe gắn máy. Tây An đã có 200 tuyến xe buýt, nhưng vào đầu giờ cao điểm sáng, một số nơi ở khu trung tâm vẫn còn bị kẹt xe.Cũng như tất cả các thành phố khác của Trung Quốc, dân Tây An được quy hoạch chỗ ở theo hướng lên cao. Dẫu mật độ nhà cao tầng ở đây dày hơn nhiều so với TP.HCM, rất nhiều cao ốc mới đang tiếp tục mọc lên. Hai công trình lớn là tòa nhà 65 tầng và tuyến đường tàu điện ngầm sẽ hoàn tất “đúng ngày và không sai giờ”, một vào cuối năm nay, còn một vào giữa năm sau.

“Công nghiệp và nông nghiệp hỗ tương, cùng phát triển”. Không rõ đó có phải là khẩu hiệu hay không, nhưng cứ vào các siêu thị, các quầy hàng cửa hiệu ở Tây An là thấy ngay những đồ ăn, thức uống được chế biến hầu hết từ các sản phẩm nông nghiệp ngoại thành. Còn ra ngoại thành, đến với vùng bình nguyên bao la hai bên đường cao tốc Hàm Dương - vùng đất ngày xưa là nơi an nghỉ của 60 vị hoàng đế, thì nay là những cánh đồng ngô, lúa mì, táo, khoai tây… để cung cấp cho các cơ sở chế biến. Là điểm xuất phát của “Con đường tơ lụa”, Tây An cũng có nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Sản phẩm từ nhà máy này nổi tiếng không kém sản phẩm của nhà máy ở Tô Châu và đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Nói đến nông sản ở Tây An thì không thể bỏ qua những bàn tiệc. Trong các nhà hàng ở Tây An, những bàn tiệc luôn đủ tám món (không tính món canh và món tráng miệng), với trên dưới 70% món ăn được chế biến từ rau, củ, quả, còn thịt, cá thì chỉ vỏn vẹn trong 30% còn lại. Có lần Sam Lee hóm hỉnh nói đùa: “Đó là những mâm cơm nhiều… thảo dân”. Món ăn của người Trung Quốc nói chung và Tây An nói riêng, rất đậm bột của ngũ cốc và chất béo của dầu hào. Đó là những bàn tiệc thấm đẫm chữ… thảo theo cách nói của Sam Lee.

Lời chia tay rất… đẹp

Hai năm học tiếng Việt tại Bắc Kinh, bốn năm làm việc tại Tây An, Sam Lee có niềm tự hào “là người duy nhất ở kinh đô Tràng An của Tần Thủy Hoàng hiện nay biết nói tiếng Việt”. Tuy là phó giám đốc của một công ty nhưng suốt thời gian đi với chúng tôi, anh làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên.

Đợi đến lúc xe rời cổng thành cổ phía Tây, Sam Lee mới đứng dậy - “Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã có những ngày ở lại với Tây An. Trong suốt thời gian ấy, nếu có điều gì kém vui và không vừa lòng, xin tất cả nên để lại cho Lý Xuân Lâm (tên tiếng Việt của Sam Lee). Đừng mang về Việt Nam làm gì. Nặng nề lắm. Xin đề nghị quý vị và các bạn chỉ giữ lại những đồng bạc cắc để làm kỷ niệm, còn bạc lớn, khi vào sân bay hoặc lúc ghé Bắc Kinh, hãy tiếp tục mua sắm để góp phần làm cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển”.


Thêm một lần đến và chia tay, nhưng với tôi, Tây An vẫn chỉ mới là một thoáng thôi. Vẫn hẹn với lòng rồi sẽ trở lại miền đất của vô số những giai thoại này. Để được “bay đêm” trên con đường cao tốc Hàm Dương. Để được đến tháp Đại Nhạn nghe thêm một lần nữa cuộc trò chuyện giữa Đường Tăng với Đường Thái Tôn. Để có dịp được suy ngẫm sâu hơn cuộc tình giữa Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, cuộc tình rất đẹp nhưng chưa hết những tranh cãi. Và để…Thế đấy, dù chuyên nghiệp hay chỉ là nghiệp dư, các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc không chỉ giàu nghệ thuật quảng bá hình ảnh đất nước, con người, mà còn luôn biết cách thúc giục khách sử dụng đến đồng bạc cuối cùng mang theo của mình để mua hàng của họ.

Theo HOÀNG THOẠI CHÂU
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận