Làng Pơmu giữa đại ngàn Tây Bắc

Trong những ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp đi theo cung đường Tây Bắc xuất phát từ Hà Nội theo hành trình Thanh Sơn- Thu Cúc tới Tú Lệ, Mù Cang Chải và điểm dừng chân ở xã Ngọc Chiến- Mường La- Sơn La. Đặt chân tới Ngọc Chiến, cảm giác đầu tiên đối với những người ở nơi xa tới là những nếp nhà sàn với những nếp nhà sàn bằng gỗ pơmu và mái lợp cũng bằng gỗ pơmu thấp thoáng, ẩn mình trong nắng chiều, những rừng cây ngút ngàn tầm mắt và cả những cánh đồng hoa hồng trải dài trong thung lũng đẹp và lãng mạn đến nao lòng.

Ngọc Chiến là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói riêng. Tuy nhiên, khi tới đây, du khách sẽ bị choáng ngợp với sự hùng vĩ của đại ngàn Tây Bắc và sự lãng mạn của con người và cảnh quan nơi đây, vừa hoang sơ, vừa mang một nét trầm của những mái nhà gỗ pơmu phủ mầu sương khói, nối tiếp nhau giữa từng bản làng. Tới đây, sau một hành trình dài, du khách sẽ thấy cuộc sống như chậm lại, yêu con người và mảnh đất này. Muốn đi và khám phá nhiều hơn nữa, bởi sự hồn nhiên của những con người nơi đây lẫn cảnh vật đều tự nhiên, không bị sự bê tông hay thương mại hoá. 
Quả thực, có mặt ở Ngọc Chiến những ngày giữa mùa đông lạnh giá, được sống và cảm nhận văn hoá của người dân tộc Thái, Mông của vùng đất này mới thấy rằng thiên nhiên ban tặng cho họ cả rừng Pơmu quý hiếm lẫn nguồn suối khoáng nóng vô tận mà người dân nào cũng ý thức được rằng phải tận hưởng và bảo vệ rừng là yếu tố sống còn. Bởi với họ, rừng là nguồn sống, đã che trở và nuôi sống bao thế hệ, do vậy việc bảo vệ nguồn sống là điều bất cứ người dân của Ngọc Chiến phải tuân theo. 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, núi và ngoài trời


Chỉ tay về những cánh rừng xa tít tắp, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Pháng cho biết, Ngọc Chiến có 21000 ha rừng trong đó 1/3 là rừng Pơ Mu. Để giữ được những cánh rừng xanh, ngày một phát triển giữa đại ngàn Tây Bắc là niềm tự hào của mỗi người dân Ngọc Chiến. Bởi, theo lý giải của ông Lò Văn Pháng, giữ được rừng tất cả đều từ hương ước của người dân, mỗi bản làng đều có hương ước riêng về việc bảo vệ rừng, bất kể ai cũng đều tôn trọng hương ước và rừng vẫn sống với người dân, bởi với người dân ở đây rừng là hơi thở, là sức sống đang truyền cho họ cảm hứng để xây dựng xóm bản phát triển và rừng đã nuôi sống và bảo vệ bao thế hệ. Đến nay, nhiều khu vực rừng đã được giao khoán cho các hộ dân, tuy nhiên tại bản Nà Tâu vẫn còn có một khu rừng chung và ai cũng chung tay bảo vệ, cùng trồng rừng và cùng khai thác. Ở đây ai cũng ý thức là chỉ lấy về để đủ ăn, không lấy để bán, không lấy thừa. Nói về bản này, ông chủ tịch xã không khỏi tự hào, đây là một trong những bản thực hiện quy ước thôn bản rất tốt, đặc biệt trong việc phối hợp đảm bảo ANTT tại địa bàn. Bản có hơn 100 hộ nhưng không có tệ nạn xã hội, không có tình trạng trộm cắp, ANTT được đảm bảo, xe máy hay đồ đạc để ngoài cửa cả đêm không bị mất trộm…Giữa bản có 1 cây Sa mộc ngàn năm tuổi, không ai biết từ bao giờ nhưng cây Sa Mộc này là linh hồn của bản, bất kỳ việc lớn nhỏ của bản người dân đều ra đây cầu và xin được bình an. Theo các cụ lớn tuổi trong làng kể lại thì vào thời chiến tranh, trai làng đi bộ độ đều ra đây cúng xin thần cây phù hộ bình an, và qua các cuộc chiến lịch sử người của bản đi bộ đội đều bình an trở về. 

Trong hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, ngoài trời, thiên nhiên và nước


Khi nắng chiều buông xuống các bản làng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tới Bản Lướt là ngay cạnh đường đi có 2 bể tắm nước nóng công cộng, người dân trong bản và các bản khác từ già đến trẻ đều xuống tắm tiên. Quả thực, được chứng kiến cảnh tắm tiên giữa nơi công cộng của người dân bản với chúng tôi là một cảm xúc thật đẹp, thật tự nhiên và văn hoá cộng đồng ở đây vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, nếp sinh hoạt của người dân vẫn chưa bị tác động của sự phát triển. Bà Lò Thị Hưng 77 tuổi ở Bản Lướt cho biết, bà không nhớ bể tắm có từ bao giờ, chỉ nhớ có lâu lắm rồi, người dân trong bản ai cũng ra đây tắm, và cả người bản khác nữa. Thường ngày bà và các thành viên trong gia đình thường ra tắm từ 5h30 sáng và chiều từ 5-6h. Mỗi lần tắm từ 15-20 phút. Có hôm 11h đêm vẫn có người xuống tắm. Nước da săn chắc, đi lại nhanh nhẹn không ai nghĩ bà đã 77 tuổi. Bà Hưng bảo, “thiên nhiên ưu ái cho Ngọc Chiến nguồn suối nóng vô tận nên con người cũng hứng khởi, thoải mái và cởi mở. Tắm tiên là bản sắc của Ngọc Chiến. Ra tới bể là không có khoảng cách hay ngại ngần bởi ai cũng vậy”. Bà Hưng nói. 
Với những lợi thế là điểm đến còn sót lại giữa đại ngàn chưa bị bê tông hoá, du lịch hoá. Đây dự kiến sẽ là điểm đến mới nổi để du khách quốc tế và nội địa lựa chọn cho kỳ nghỉ và khám phá của mình. Ông Trần Trọng Lưu – Giám đốc Công ty du lịch đường sắt Hà Nội cho biết, Ngọc Chiến- Mường La là một điểm đến đẹp và hấp dẫn. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp của bản làng của người Thái, người Mông với nét hoang sơ, bình dị giữa đại ngàn. Đặc biệt, người dân ở đây có một điểm tắm nước nóng cộng đồng cho người dân trong bản, một nét sinh hoạt rất hấp dẫn của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch địa phương cần phải có cách làm hợp lý để bảo tồn được nét văn hoá này, nếu không khi khách đến đông, nếp sinh hoạt này sẽ bị mai một dần, mất đi sức hút, thì sẽ rất tiếc. Do vậy, mình là người đi sau nên có sự quy hoạch và tuyên truyền về du lịch để người dân tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất.

Trong hình ảnh có thể có: núi, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên


Ông Nguyễn Tiến Đề, Công ty Bluesun travel cũng cho rằng, du lịch Việt Nam, các điểm đến ở Việt Nam rất đẹp và hấp dẫn đối với du khách vậy tại sao khách đến một đi không trở lại? Lý giải nguyên nhân này ông Nguyễn Tiến Đề cho rằng, nguyên nhân phát triển du lịch cộng đồng, việc khai thác du lịch không đồng bộ dẫn tới mai một và quá trình đô thị hoá, bê tông hoá là nguyên nhân chính, khách du lịch tham gia tour du lịch trải nghiệm, đều chấp nhận sản phẩm sẵn có của địa phương. Tại bản làng Ngọc Chiến, điểm nhấn là những nóc nhà sàn Pơ mu với mái lợp gỗ pơmu phủ màu thời gian, nằm gọn trong những thung lũng rất đẹp cũng như nếp sống sinh hoạt trong tắm tiên vẫn được người dân duy trì. Để phát triển du lịch cộng đồng, điều quan trọng nhất đối với Ngọc Chiến lúc này là bảo tồn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ, nếu có xây dựng thì nên nhờ công ty kiến trúc quy hoạch du lịch thì sẽ rất tốt. Bảo tồn và duy trì những nếp sống văn hoá, cuộc sống hàng ngày của người dân là việc cần thiết để thu hút khách và phát triển du lịch bền vững. 
Bà Vũ Giang Biên- Giám đốc Công ty Thiên đường Á Châu cho rằng, điểm nhấn của Sơn La trong thời điểm này là du lịch cộng đồng tại Ngọc Chiến- Mường La, đây là một điểm mới còn hoang sơ, có nguồn nước nóng. Muốn phát triển du lịch khu vực này cần phải có quy hoạch tổng thể của địa phương, như bản thì duy trì nhà sàn người Thái, lợp mái pơmu, phát triển du lịch thì sẽ làm gia tăng giá trị cho địa phương, phát triển du lịch đối với khách nước ngoài sẽ rất thu hút. Ngoài ra đây còn có một số di tích lịch sử, đồn Mường Chiến, đồn Pom Pát, cây Sa mu ngàn năm tuổi, rừng sơn tra bạt ngàn. Do vậy, Sơn La cần có cái nhìn tổng thể về quy hoạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ. Ngọc Chiến- Mường La chỉ có tài nguyên thiên nhiên, chưa có bàn tay con người vào nhiều. Do vậy, đối với việc phát triển du lịch của địa phương, tỉnh muốn giới thiệu cái hay cái đẹp của địa phương, điểm đến thì cần phải có thông tin hướng dẫn đầy đủ để công ty lữ hành xây dựng sản phẩm bán cho khách hàng

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận