Nơi Đại ngàn khoáng đạt!

Ngày chưa biết Buôn Đôn, tôi từng nghe đôi ba người than vãn: “Buôn Đôn chả có gì đâu, đi loanh quanh chỉ thấy mỗi núi rừng sông suối” hoặc “giờ Buôn Đôn đô thị hóa mất rồi, không còn người dân tộc mấy đâu”. Nhưng với riêng tôi, chuyến dừng chân tại Buôn Đôn lại là dấu ấn đáng nhớ nhất trong chuỗi hành trình khám phá vùng đất đỏ Bazan đại ngàn khoáng đạt.

Với những ai thích đi theo lộ trình với sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch thì có thể tìm đến những địa điểm nổi bật của Buôn Đôn như khu du lịch quần thể cầu treo, khu du lịch sinh thái Bản Đôn – Ánh Dương, vườn quốc gia Yok Đôn, thác Bảy Nhánh – Thanh Hà hay trang trại du lịch vườn Troh Bư để được thăm quan tổng thể. Còn với tôi, tôi thích tự mình khám phá vẻ hoang dã nguyên sơ và yên bình của Buôn Đôn theo góc nhìn riêng. 

Cầu treo Buôn Đôn

Vẻ đẹp Buôn Đôn sẽ chỉ thể hiện khi bạn bước chậm lại, thả lỏng tâm trí, ngắm nhìn và lắng nghe để cảm nhận thật sâu vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa Tây Nguyên lẩn khuất trong từng sinh hoạt đời thường dung dị.

Tháng 11, trời miền Trung Tây Nguyên lãng đãng, dìu dịu, rất phù hợp để vào rừng. Mùa này mưa đã ngớt, nắng không quá gắt, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi thăm Buôn Đôn trong cả một ngày dài mà không mỏi mệt. Hãy bắt đầu chuyến đi lý thú bằng việc khám phá vườn quốc gia Yok Đôn với cảnh quan đa dạng và phong phú.

 

Kiểu nhà dài của dân tộc Ê Đê

Buôn Đôn và Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk (cùng với Cư Jút của tỉnh Đắk Nông) là ba huyện được hưởng trọn không gian của khu rừng đặc dụng mang tên “rừng khộp”. Rừng khộp là loại rừng thưa cây, rụng lá vào mùa khô, có cấu trúc tán đơn giản, chủ yếu chứa các loại cây thuộc họ Dầu. Bạn có thể thảnh thơi đi bộ, đạp xe trong rừng sâu dưới bóng những tán lá mát rợp hoặc chinh phục đỉnh Yok Đôn nếu hứng thú leo núi, hoặc thử làm kiểm lâm để thực tế công việc gác rừng nhiều thú vị.

Một thoáng rừng khộp

Người yêu thích vẻ đẹp tự nhiên sẽ thích thú khi được khám phá nơi này trong khi người ưa vẻ nhân tạo sẽ ít nhiều thất vọng vì Buôn Đôn còn đơn sơ quá. Với tôi, đơn sơ là một vẻ đẹp, hoang dã là một giá trị. Sau lớp mưa phùn sáng sớm, nắng bắt đầu hé, sưởi nhẹ cho những loài hoa dại vô tư khoe sắc. Mùa khô, mùa lá rụng, vườn quốc gia Yok Đôn như được nhuộm muôn ngàn sắc đỏ vàng nên thơ. Ai bảo Tây Nguyên không có mùa thu? 

Rừng khộp mùa thay lá

Nhắc đến Buôn Đôn thì không thể không nhắc đến dòng Sêrêpôk. Sông Sêrêpôk là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đắk Lắk Và Đắk Nông. Tại Đắk Lắk, sông có đoạn mang tên là Đắk Krông và chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea súp của tỉnh này. Sông Sêrêpôk là linh hồn và biểu tượng của vẻ đẹp Buôn Đôn, có dòng chảy ngược về phía tây. Sông Sêrêpôk là nơi hội tụ của nhiều nhánh sông, suối nhỏ, chất chứa bao tinh hoa và câu chuyện của người đời. Lưu lượng dòng chảy lớn không chỉ tạo ra các giá trị về thủy điện mà còn khiến hệ sinh thái nơi đây trở nên đa dạng, phong phú... dòng Sêrêpôk đẹp bởi có nhiều ghềnh thác như thác Đray Sáp, Trinh Nữ, Đray H’linh, Đray Nu, Gia Long và Bảy Nhánh.

Thác Bảy Nhánh được nhiều người tìm đến bởi sự đặc biệt khi dòng chảy về qua đây gặp ghềnh đá lớn thì chia làm ra 7 nhánh nhỏ chảy qua các tảng đá. Ai đó theo thuyền độc mộc xuôi dòng Sêrêpôk sẽ khám phá ra ốc đảo Ea Nô và lắng nghe câu chuyện tình của chàng trai M’Nông cùng nữ tù trưởng Ê Đê. Trên chặng hành trình của sông Sêrêpôk, du khách hãy thử cảm giác rung rinh, chơi vơi trên cầu treo bắc qua sông hay tới hồ Lăk, Thác Phật, Suối Đắk Lâu, Đắk Te, Đăk Ken để thư giãn, câu cá và bơi lội.

Một góc sông Sêrêpôk

Huyện Buôn Đôn có sự sinh sống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, M’nông... tạo nên một quần thể văn hóa đặc sắc, đa dạng. Người ưa khám phá bản địa sẽ chọn cách cùng ăn, cùng ở với bà con để cảm nhận chân thực phong tục tập quán đồng bào.

Đi lững thững trên triển đất rộng, bạn sẽ được ngắm hoa cà phê nở trắng hay bị hút theo những dáng thổ cẩm đang gùi măng thấp thoáng rẻo cao. Bước vào những ngôi nhà sàn, nhà dài Ê Đê có tuổi hơn trăm năm, bạn sẽ được sống trong không gian đồng bào với những nếp văn hóa khác biệt với lối sống của người Kinh.

Hoa cà phê nở trắng trời Tây Nguyên

Những ngôi nhà nằm bình yên, luôn rộng mở đón bạn vào và hình ảnh quen thuộc là bên bậc cửa, một cô gái đang thêu thùa đan lát hay một cụ già ngồi tựa cửa thảnh thơi sẽ cười rộn ràng khi gặp người quen và cười rất hiền khi gặp người lạ. Khi đã kiếm được cho mình một một nơi để giữa lòng dân bản, bạn sẽ được hòa nhập vào đời sống một cách thực sự như được thưởng thức rượu cần nồng đượm; say sưa trong vũ điệu cồng chiêng với điệu dân ca Eacray, Gứt và chìm đắm trong tiếng kể Khan (sử thi) của già làng tóc bạc.

Bạn sẽ được tham gia các trò chơi cà kheo, bịt mắt đập niêu đất, lăng mình trên xích đu hay bập bênh bằng gỗ để nghe tiếng cười trong vắt của mình dội lại từ rừng xa. Bạn cũng sẽ muốn mang về chút lưu niệm như thuốc và rượu Amakong hay những miếng thổ cẩm rực rỡ... và hẳn sẽ nhớ rất lâu ẩm thực núi rừng bởi cơm lam dẻo nướng trong ống nứa, thịt heo giòn sật, thịt nai bùi thơm, nhộng sâu muồng, gà nướng Bản Đôn, măng khô đượm nắng, lẩu rau rừng thanh mát nấu cùng thịt và tôm khô, những miếng cá ngọt vị sông Sêrêpôk...

Dệt thổ cẩm – một trong những nghề truyền thống của người Ê Đê

Rời Buôn Đôn, vùng đất đỏ Bazan huyền thoại với vị thiên nhiên đượm mùi nắng gió đại ngàn, người biết thưởng thức vẻ đẹp hoang dã thực sự của Tây Nguyên chắc chắn sẽ muốn quay trở lại, không chỉ một lần.

Nguồn: tạp chí Heritage

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận