SINGAPORE - con rồng châu Á
Khởi đầu gian nan
Ngày nay, nhắc tới quốc gia này là nhắc tới 1 trung tâm du lịch và mua sắm của thế giới. Ít ai biết rằng Singapore từng là 1 làng chài của Malaysia khi nó bị chiếm làm thuộc địa của Anh vào thế kỷ 19. Sau đó, quân đội Nhật chiếm đóng Singapore trong Thế chiến thứ 2. Và sau nữa, nước này là 1 phần trong sự liên kết tạo thành Liên bang Malaysia.
Khi giành được độc lập năm 1965, Singapore đã phải đối mặt với nhiều khó khăn: nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình (1959 – 1990), ông Lý Quang Diệu đã nhanh chóng kiềm chế thất nghiệp, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn. Các cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước được phát triển, mối đe doạ của căng thẳng chủng tộc được loại bỏ và 1 hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập. Singapore từ 1 nước đang phát triển trở thành 1 nước phát triển vào cuối thế kỷ 20.
Nhà nước đa đảng
Quốc kì của Singapore gồm 2 phần: nửa ở trên màu đỏ và nửa dưới màu trắng; nửa trên có hình trăng lưỡi liềm và 5 ngôi sao. Màu đỏ tượng trưng cho mối tình anh em giữa người với người, giữa các dân tộc trên thế giới và sự bình đẳng của con người. Màu trắng là biểu tượng của sự trong sạch và tinh khôi vĩnh viễn, không nhơ bẩn. Trăng lưỡi liềm có nghĩa biểu trưng cho 1 quốc gia trẻ còn đang trên đường phát triển. Năm ngôi sao nhỏ gần mặt trăng tượng trưng cho 5 lý tưởng.
Singapore có quốc hội và tổng thống dân cử đứng đầu nước. Theo luật định, tất cả mọi công dân trên 21 tuổi đều phải đi bầu. Trước năm 1993, tổng thống là người được bổ nhiệm. Nhưng đến tháng 1/1991, theo quy định của bản tu chỉnh hiến pháp, tổng thống được bầu giữ nhiệm kỳ 6 năm, đồng thời có quyền duyệt xét lại quyết định của chính phủ trong 1 số lĩnh vực, kể cả việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp vào guồng máy nhà nước. Tổng thống còn có quyền chỉ định thủ tướng. Quốc hội được bầu 5 năm 1 lần.
Singapore có cả thảy 24 chính đảng đăng ký hoạt động. Nhưng từ năm 1959 tới nay, Đảng Hành động nhân dân luôn khống chế chính trường, đã liên tiếp 10 lần thắng cử.
Quốc đảo xanh
Hơn 90% dân cư Singapore sống trong các khu nhà xây dựng sẵn và gần ½ dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới. Do Singapore có diện tích rất chật hẹp, nên chính quyền thường có những biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng nghẽn xe, tắc đường.
Chính nhờ các phương tiện giao thông công cộng này, cùng với các qui định nghiêm ngặt của chính phủ trong các vấn đề môi trường đã làm cho nạn ô nhiễm môi trường ở quốc gia này giảm mạnh. Đường phố sạch tinh tươm, vì chính quyền áp dụng luật lệ và nghiêm phạt ngay cả những ai phạm những tội được xem là nhẹ ở các nước khác, như xả rác, đi bộ không đúng luật giao thông và khạc nhổ nơi công cộng. Hiện nay, Singapore được coi là quốc gia sạch đẹp nhất thế giới với môi trường trong lành và thảm thực vật phong phú.
Con rồng kinh tế
Từ khi được độc lập vào năm 1965 tới nay, Singapore trở thành 1 trung tâm thương mại toàn cầu, một con rồng châu Á và là trung tâm kinh tế trong vùng. Những ngành kỹ nghệ chính của Singapore gồm lọc dầu, điện tử, thiết bị, khoan dầu, vật liệu cao su, chế biến thực phẩm và nước uống, sửa tàu…
Để khuyến khích và đáp ứng nhu cầu của doanh nhân các nước, chính phủ Singapore đề ra nhiều hình thức khích lệ, chủ yếu đánh thuế nhẹ 1 số ngành kỹ nghệ, nâng đỡ xuất cảng, mở mang các khu công nghiệp và xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thực hữu hiệu.
Thiên đường mua sắm
Với những chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của chính phủ, Singapore là quốc gia thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Có thể kể đến hàng ngàn nhãn hiệu nổi tiếng trong mọi lĩnh vực có trụ sở ở quốc gia này. Điều này kéo thêm sự phát triển của ngành du lịch. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến đây mua sắm và thưởng ngoạn vẻ đẹp hiện đại của Singapore.
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận