Kỳ V: Chuyện về những chú chim ưng quý tộc

Kỳ 5 : Chuyện về những chú chim ưng Quý tộc ( Qatar – Thiên đường giữa lòng sa mạc)

Kỳ 4: Huyền ảo phiên chợ Ba Tư

Kỳ 3: Kỳ thú sa mạc biển Mesaieed

KỲ 2: NƠI LƯU GIỮ TINH HOA NGHỆ THUẬT HỒI GIÁO (QATAR)

Kỳ I: QATAR- QUEN và LẠ

 


Huấn luyện chim ưng săn mồi.

NDĐT - Chim ưng được đón tiếp như hành khách, trên khoang máy bay của những hãng hàng không đạt chuẩn năm sao. Chim ưng có hộ chiếu riêng, có bệnh viện riêng với dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại. Chim ưng có giá trên trời, từ vài chục tới cả trăm nghìn USD. Chim ưng trở thành vật nuôi được giới hoàng thân quốc thích cũng như dân nhà giàu Arab cưng chiều, nâng niu.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Tôi vẫn nhớ cảm giác ngạc nhiên tột độ, khi “rơi tõm” vào một thế giới dành riêng cho chim săn mồi (Falcon Souq) trong khu chợ cổ Souq Waqif huyền bí nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Doha. Những chú chim ưng trầm tư đậu trên những thanh ngang, xung quanh là những chiếc tủ kính sáng choang bày bán đủ loại dụng cụ, thiết bị dành riêng huấn luyện chim săn mồi. Vài chục cá thể chim, tuy khác nhau về kích cỡ, về màu lông và cả giá trị tiền bạc nhưng giống hệt nhau ở một điểm. Chúng đều bất động, đều lặng yên, đều đeo một cái mũ trùm đầu có ngù vắt vẻo điệu đàng che kín cặp mắt và tất thảy đều như đang chìm trong giấc ngủ. Mặc kệ đám khách say mê giống chim săn mồi liên tục đi lại, nói năng, cười lớn, vỗ vai ông chủ đầy thân thiện, lũ chim hoang dã vẫn bình thản, trầm tư như thể những triết gia đang ngẫm nghĩ sự đời. Anh nhân viên bán hàng giải thích việc chim bị che mắt bằng một nguyên do rất thú vị. Rằng chim chỉ được tháo bỏ chiếc mũ trùm, khi tìm được chủ nhân. Với tập tính của loài, nó sẽ trung thành tuyệt đối với người mà nó nhìn thấy đầu tiên, sau một thời gian dài chờ đợi trong bóng tối.

Những chú chim ưng trong một cửa hàng tại khu chợ cổ Souq Waqif, Doha

Trên bức tường của một cửa hàng, tôi bắt gặp một câu tagline tiếng Anh khá thú vị: “Falcon is not animal or bird. Falcon is a falcon”. Có vẻ như định vị đẳng cấp quý tộc cho loài chim dũng mãnh này là một nét văn hóa đậm đặc chất Trung Đông. Nơi giới nhà giàu coi chúng như thú cưng. Nơi rạp mình trên lưng giống ngựa Arab thuần chủng phóng như bay, với chú chim ưng kiêu hùng đậu trên vai là hình ảnh quen thuộc của những giới quý tộc trong những chuyến đi săn đẳng cấp.

Khu vực đón tiếp "bệnh nhân" của Bệnh viện chim ưng, nằm ở trung tâm khu chợ cổ Souq Waqif

Tùy thuộc vào kích thước, giống và vẻ độc đáo của bộ lông, một con chim ưng có giá dao động từ 500 đến 20 nghìn USD. Vị trí quán quân thuộc về chim ưng Iceland, với mức giá có thể xê dịch từ vài trăm nghìn tới cả triệu USD. Những con số khó tin chỉ để sở hữu một cá thể chim, dù vốn được coi là thú cưng của giới nhà giàu “chẳng có gì ngoài điều kiện”!

Chú chim oai vệ này được người bán ra giá 25 nghìn USD.

Huấn luyện chim săn mồi đã được nâng lên thành nghệ thuật, sau hàng nghìn năm xuất hiện trên thế giới. Và nghệ thuật có truyền thống lịch sử lâu đời này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, như một báu vật cần gìn giữ và trao truyền cho muôn đời hậu thế. Phụ kiện huấn luyện chim được bày biện bắt mắt, đa dạng về cả chủng loại lẫn giá tiền trong mỗi cửa hàng ở Souq Waqif. Tất cả đều được làm bằng da bò nguyên tấm chất lượng cao, một số làm bằng da cá sấu theo những đơn hàng đặt riêng. Những chiếc găng tay với cấu tạo từ hai đến ba lớp da để thao tác và huấn luyện chim trên thực địa. Những chiếc mũ trùm được chế tác tỉ mỉ và cầu kỳ bảo đảm an toàn cho mắt chim nhưng cũng rất thoải mái khi sử dụng. Những dây da chân tạo sự vừa vặn và thoải mái, không gây tổn thương hoặc rụng lông gồm dây đai chân, dây nối và bộ phận chống xoắn. Mồi giả là phụ kiện bằng da bò mô phỏng con mồi để tập cho chim kỹ năng săn bắt. Còi huấn luyện giúp chim nhận lệnh của chủ nhân… Để có thể bắt tay vào hành trình huấn luyện một chú chim, mỗi chủ nhân tương lai phải mua sắm tối thiểu từng đó sản phẩm.

Chú chim ưng với chiếc mũ trùm đầu bằng da đặc trưng

Một khóa huấn luyện chim thường kéo dài ít nhất là sáu tuần. Đại gia Arab thường mang chim tới vùng sa mạc rộng lớn rồi khởi động máy bay mô hình gắn mồi cho thú cưng tập săn bắt, thay vì sử dụng chim bồ câu như trước đây. Đó cũng là quãng thời gian cần thiết để chủ nhân thiết lập mối quan hệ khăng khít và bền chặt với những chú chim dũng mãnh của mình. Theo quan niệm cuả người Qatar, chim ưng đại diện cho lòng dũng cảm, tính kiên trì, tinh thần quyết tâm và cách sống khoáng đạt, tự do. Đó là lý do khiến giới nhà giàu Trung Đông dần thay đổi thói quen nuôi thú cưng, từ những cá thể báo gấm – sư tử đáng sợ sang những chú chim uy dũng nhưng có vẻ ngoài rất đỗi hiền lành này.

Xa xỉ dịch vụ đi kèm

Kế bên khu bán chim ưng, tôi ngỡ ngàng bắt gặp một bệnh viện hoành tráng dành riêng chăm sóc sức khỏe cho loài săn mồi thượng đẳng này. Souq Waqif Falcon Hospital là một tòa nhà bề thế gồm bốn tầng. Hiện đại, sạch như lau như ly với những trang thiết bị tối tân, bệnh viện có tuổi đời 10 năm này được xếp hạng là địa chỉ chăm sóc sức khỏe chim ưng hàng đầu tại các quốc gia vùng Vịnh. Hằng ngày, bệnh viện đón tiếp trung bình khoảng một trăm “bệnh nhân”. Khám sức khỏe tổng quát cho mỗi chú chim có giá 110 riyal (khoảng 30USD). Đa dạng các dịch vụ chăm sóc, điều trị như nội soi, cấy lông, chữa bệnh hô hấp, gãy xương … được niêm yết giá cả cụ thể. Thậm chí, bệnh viện có cả những phòng chăm sóc đặc biệt, với sự phục vụ tận tình của những bác sĩ thú y đầu ngành dành cho những chú chim “đẳng cấp”. Mức chi phí, lẽ dĩ nhiên, không dành cho người yếu tim!

Khu bán và cung cấp các phụ kiện huấn luyện chim ưng trong khu chợ cổ Souq Waqif.

Nếu có điều kiện di chuyển bằng máy bay tại các quốc gia Trung Đông, xin đừng ngạc nhiên nếu bắt gặp một vài chú chim ưng – trong vai trò người bạn đồng hành trên khoang hành khách. Lịch sử hãng hàng không Qatar Airways từng ghi nhận trường hợp đặc biệt, khi một vị hoàng tử Arab Saudi đã vung tiền mua vé cho …80 chú chim bay cùng! Hãng cũng quy định rất rõ ràng trên website, rằng mỗi hành khách đều có thể mang theo một chú chim. Rằng sáu là số cá thể chim tối đa được phục vụ như hành khách trong một cabin, với mức phí dao động từ 115 đến 1.620USD, tùy hạng ghế phổ thông hay thương gia. Etihad Airways cũng chấp nhận phục vụ loại khách đặc biệt này, nhưng kèm theo điều kiện phải nhốt trong lồng. Royal Jordanian Airlines rộng rãi hơn, khi chấp nhận mỗi chủ nhân được mang theo tới hai chú chim, với số lượng tối đa 10 – 15 con/chuyến tùy kích cỡ máy bay. Phí vận chuyển được tính gấp ba, so với mức phí dành cho hành lý quá cân thông thường. Hãng hàng không nổi tiếng Lufthansa cũng không chịu bỏ qua đối tượng khách hàng tiềm năng này. Không chỉ cho phép, hãng còn đưa vào thử nghiệm cả giá đậu cho chim ưng của đối tượng khách VIP từ năm 2014.

Ông chủ thư giãn bên thú cưng

Bay nội địa thì đơn giản, nhưng còn những hành trình quốc tế thì phức tạp hơn. Để phòng chống nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã quý hiếm, Bộ Môi trường và Nước của Arab Saudi phải làm thủ tục cấp hộ chiếu cho cả … chim ưng. Với mức phí 130USD, chỉ trong khoảng hai năm 2012 – 2013, 28 nghìn chú chim dũng mãnh đã được cấp hộ chiếu đàng hoàng, được làm thủ tục xuất – nhập cảnh như con người, thật thú vị!

Nghe nói ở Qatar và một vài quốc gia vùng Vịnh còn có một lễ hội dành riêng cho chim ưng, trong đó tổ chức hẳn một cuộc thi sắc đẹp để tuyển ra những “hoa hậu”, “nam vương” xứng đáng nhất. Trong làng văn hoá Katara cũng có một bảo tàng về chim ưng, với phần mái rất đẹp mang hình dáng chiếc mũ trùm đầu vốn gắn chặt với loài chim này. Và trên sa mạc biển Mesaieed, chỉ cần bỏ một khoản tiền nhỏ tượng trưng, du khách đã có thể xỏ tay vào chiếc găng da, rón rén để một chú chim hùng dũng đậu trên tay và có được những tấm hình kỷ niệm ấn tượng để khoe với bè bạn, sau khi kết thúc hành trình. Như một nhà quý tộc Trung Đông đích thực!

 

HỒ CÚC PHƯƠNG
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận