Những cung điện trong lòng đất

Một ngày trời lang thang khám phá những nhà ga tàu điện ngầm tại Thủ đô Moscow đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Không chỉ được sử dụng hệ thống huyết mạch giao thông khổng lồ của một siêu đô thị, hành khách còn được mãn nhãn ngắm những nhà ga đẹp như mơ - nơi phản chiếu tài năng và tâm huyết của những kiến trúc sư, họa sĩ hàng đầu nước Nga Xô viết.

NƯỚC NGA DU KÝ -KỲ 1

Nước Nga du ký- kỳ 2- CHOÁNG NGỢP “VENICE PHƯƠNG BẮC”

NƯỚC NGA DU KÝ- KỲ 3  V- NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG GÍAO

nước Nga du ký-kỳ 4

Nước Nga du ký- kỳ V- Khám phá "bảo tàng đá quý "

Nước Nga du ký- kỳ VI- Versailles -phiên bản Nga

Nước Nga du ký- kỳ VIII- Mỗi viên gạch chứa một phần lịch sử

“Điệp vụ bất khả thi” 

Nhịp sống gấp gáp, hối hả của Moscow được cảm nhận rõ nhất, khi ta bắt đầu chuyến hành trình trong lòng đất. Những dòng người xếp hàng trật tự, những chuyến tàu đến và đi vun vút với tốc độ trung bình toàn tuyến đạt 50km/h, tính cả thời gian đón - trả khách. Còn khi con rắn màu bạc khổng lồ lướt qua như một ảo ảnh trước mắt tôi, vận tốc tối đa có thể đạt tới 80km/h.

Mỗi ngày có từ 7 - 9 triệu lượt khách đi và đến, trong hệ thống huyết mạch giao thông chằng chịt với gần 200 nhà ga, với tổng chiều dài 12 tuyến đường lên tới 333,5km. Vào giờ cao điểm, khoảng cách giữa hai chuyến tàu chỉ vỏn vẹn… 90 giây, nghe nói hiện vẫn giữ kỷ lục thế giới. Phần lớn hệ thống đi dưới lòng đất. Và thật khó tưởng tượng, khi đứng ở nhà ga Công viên Pobedy, bạn đang ở dưới độ sâu 74m (243ft), tương đương với tòa nhà 24 - 25 tầng.

Nếu so sánh quy mô khiêm tốn khi bắt đầu đi vào hoạt động năm 1935, với chỉ một tuyến đường ray duy nhất dài 11km cùng 13 nhà ga, tốc độ phát triển của hệ thống giao thông công cộng hữu dụng với bề dày 82 năm tồn tại này chỉ có thể miêu tả bằng cụm từ: “đáng kinh ngạc”. Giờ đây, Moscow Metro là tuyến đường sắt đô thị lớn thứ năm trên thế giới (tính theo số hành khách sử dụng vào năm 2015) và là hệ thống đứng thứ tư thế giới (tính theo khu vực bên ngoài châu Á). Tới cột mốc 2020, Moscow sẽ dành ra 1.000 tỷ rubles để xây mới 150km, 67 ga, 7 cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng tàu. Khi đó, mạng lưới này sẽ đạt tới tổng chiều dài 451,2km và chạy qua tổng cộng 252 nhà ga.

Đi tàu điện ngầm tại Moscow là một “điệp vụ bất khả thi” với du khách quốc tế không biết tiếng Nga. Về lý thuyết, mỗi tuyến đường được phân biệt bằng một màu riêng, đi theo hướng khác nhau và được kết nối bằng một vòng tròn màu nâu ở giữa. Tương truyền, vòng tròn này chính là dấu vết ly cà phê mà lãnh tụ Stalin cố tình đặt lên bản đồ, khi đang nghe các kiến trúc sư báo cáo về kế hoạch phát triển hệ thống trong tương lai.

Ga nào cũng có tên riêng, nhưng bằng tiếng Nga, dĩ nhiên. Dù xứ sở bạch dương hiện là điểm đến vô cùng hấp dẫn với bè bạn năm châu, người Nga vẫn rất đủng đỉnh với xu hướng “thế giới phẳng”, khi thứ tiếng thông dụng nhất thế giới gần như vắng bóng nơi đây. Cầm trong tay tấm sơ đồ tuyến metro rối rắm đủ màu, nếu không có sự hỗ trợ của một “thổ dân” Moscow chính hiệu, đố bạn định vị được chính xác nơi cần đến. Khi đã lên tàu, bạn chỉ có thể phân biệt hướng di chuyển vào trung tâm thành phố, nếu giọng đọc thông báo là nam giới và từ trung tâm ra ngoại vi, nhờ giọng nữ. Đó cũng là lý do chính khiến du khách Việt (trừ những người đã có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nga trong quá khứ) luôn phải chọn đi tour theo đoàn với lịch trình nghiêm ngặt, chứ không phải một hành trình phượt “vui đâu chầu đấy” đầy hấp dẫn như những điểm nóng du lịch Tây Âu. 

Nơi mỹ cảm thăng hoa

“Cả một đội ngũ đông đảo kiến trúc sư tài danh, nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng đương thời đã để lại dấu ấn tài hoa, nội lực sáng tạo nghệ thuật vô tận trên từng bức tường, mái vòm uốn cong mềm mại, từng lối đi lát đá mát lạnh...”

Moscow Metro không chỉ gây choáng váng cho du khách bởi quy mô hoành tráng. Điều đáng nói hơn cả là chính quyền Nga - Xô viết đã đặt vào đó rất nhiều tâm huyết, để biến những điểm dừng chân chờ tàu trở thành tuyệt phẩm kiến trúc - mỹ thuật, nơi hành khách không chỉ tham gia giao thông đơn thuần mà còn được thăng hoa cảm xúc. Họ sẽ khởi đầu ngày mới bằng một tâm trạng vui tươi, tràn trề sinh lực, và vơi bớt mệt mỏi, áp lực sau một ngày dài làm việc căng thẳng, nhờ ngắm nhìn những tranh tượng đẹp tuyệt, trên đường về nhà. Lang thang chiêm ngưỡng những tuyệt phẩm - nhà ga như thế, sẽ thấy đời sống tinh thần của người dân Moscow được bộ máy chính quyền chăm chút tỉ mỉ tới mức độ nào.

Trên tuyến vòng tròn trung tâm mang màu nâu sẫm “của đáy tách cà phê”, 12 nhà ga đều có thể xếp vào hàng tuyệt phẩm. Trên toàn tuyến, 44 công trình đã lọt vào danh sách thắng cảnh kiến trúc - biểu tượng nghệ thuật. Những sân ga trang trí lộng lẫy, với mái vòm - trần cuốn, những loại đá quý ốp tường, những chiếc đèn chùm tinh xảo, những bức tranh tường - phù điêu đắp nổi và cơ man những pho tượng đồng in hằn màu thời gian xưa cũ…

Bạn có thể ngắm nhìn nhà ga mang tên thi hào Mayakovsky (Mayakovskaya) - nơi được mệnh danh là “ga tàu điện ngầm đẹp nhất thế giới” với 24 hốc tường trên trần nhà chuyên chở biểu tượng 24 giờ trên bầu trời nước Nga. Tại nhà ga mang tên thi hào Pushkin (Pushkinskaya), những chiếc đèn chùm lộng lẫy của thế kỷ XIX cùng bức tượng bán thân và những cột đá cẩm thạch ghi khắc thơ ông khiến người hâm mộ rưng rưng xúc động. Rồi nhà ga Novoslobodskaya rực rỡ những bức tranh trên kính màu. Nhà ga “Quảng trường Cách mạng” có tới vài chục bức tượng đồng cực đẹp, với cái mũi chú chó nép bên chân anh lính trinh sát và cái mỏ chú gà mà cô gái Nga âu yếm ôm trong lòng được du khách xoa tay đến mức đổi màu vàng chóe (vì quan niệm làm như vậy sẽ nhận lại may mắn). Không thể không nhắc tới nhà ga Teatralnaya, nơi nghệ thuật cùng những tên tuổi lẫy lừng của sân khấu Nga được vinh danh. Hay những cái tên Kievskaya, Arbatskaya, Kropotkinskaya… nơi những tác phẩm hội họa phản ánh sinh hoạt đời thường của người dân Nga được tái hiện sinh động, hấp dẫn trên mỗi hốc tường, mỗi khung phù điêu đắp nổi. Không chỉ có vậy, ngay cả những chiếc ghế nghỉ chân cũng mang vẻ đẹp tinh tế, cầu kỳ với hoa văn chạm khảm đầy mỹ cảm trên nền đá hoa cương. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số cái tên nổi bật mà tôi vừa liệt kê đã lọt vào danh sách di sản kiến trúc tầm cỡ thế giới.

Cả một đội ngũ đông đảo kiến trúc sư tài danh, nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng đương thời đã để lại dấu ấn tài hoa, nội lực sáng tạo nghệ thuật vô tận trên từng bức tường, mái vòm uốn cong mềm mại, từng lối đi lát đá mát lạnh. Những nhà ga metro của Thủ đô nước Nga là minh chứng hoàn hảo nhất cho khuynh hướng “nghệ thuật vị nhân sinh” khi những sáng tạo đầy tính thẩm mỹ đi vào và phục vụ đời sống tinh thần của con người, theo một cách thức hữu hiệu và trực quan nhất...  

Hồ Cúc Phương

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận