Mỗi viên gạch chứa một phần lịch sử

NƯỚC NGA DU KÝ -KỲ 1

Nước Nga du ký- kỳ 2- CHOÁNG NGỢP “VENICE PHƯƠNG BẮC”

NƯỚC NGA DU KÝ- KỲ 3  V- NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG GÍAO

nước Nga du ký-kỳ 4

Nước Nga du ký- kỳ V- Khám phá "bảo tàng đá quý "

Nước Nga du ký- kỳ VI- Versailles -phiên bản Nga

Nếu Kremlin là “trái tim của Moscow” thì phố cổ Arbat chính là nơi tâm hồn Moscow kết tinh, lắng đọng. Bởi từng viên gạch lát đường trên con phố nhỏ có tuổi đời 524 năm này đều ẩn chứa một câu chuyện hấp dẫn nào đó, trong suốt chiều dài biến thiên lịch sử rất đỗi thăng trầm của xứ sở Bạch dương.

Không gian văn hóa đậm chất Nga

Với chiều dài vỏn vẹn 1,2km, con phố nhỏ yên bình được khai sinh vào cuối thế kỷ XV này nằm trong số rất ít di tích cổ kính còn tồn tại nguyên vẹn của nước Nga vĩ đại. Arbat không có những ngôi nhà cao tầng, hiện đại. Arbat luôn đông vui, nhộn nhịp khách du lịch nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh tại, an nhiên, không gợn chút xô bồ, nhốn nháo.

Arbat như một không gian nghệ thuật phong phú, đa sắc màu. Đó là nơi những nghệ sĩ đường phố trình tấu nhạc cụ. Những họa sĩ phóng bút với các bức chân dung, hí họa ấn tượng. Những vũ công trang phục sặc sỡ sôi động trong các vũ điệu dân gian. Những nghệ sĩ với chất giọng trầm ấm, truyền cảm nhận đọc hoặc ngâm thơ thuê. Những bạn trẻ ngẫu hứng đồng ca, nắm tay nhau quay cuồng trong vũ điệu Latin rạo rực… Đông đảo nghệ sĩ đến từ mọi miền đã chọn cho mình một vị trí cố định nào đó trên con phố cổ, để cần mẫn lao động nghệ thuật, để thăng hoa cảm xúc sáng tạo và cũng là để mưu sinh.

Đông nhất là đội ngũ vẽ ký họa, sơ sơ cũng tới hai chục người. Không chào mời, chỉ lặng lẽ lia cây chì than trên nền giấy, mỗi bức chân dung lột tả khá giống thần thái nhân vật thường hoàn thành chỉ sau khoảng 15 phút. Họa sĩ nhận 600 ruble, người mẫu hỉ hả cuộn tranh mang về. Tranh hí họa thường có giá cao hơn, bởi phụ thuộc vào độ khó trong ý tưởng của người “ra đề”. Không chỉ thế, du khách cũng có thể sưu tập cả tranh nghệ thuật (đa phần là tranh phong cảnh) với mức giá khá mềm, từ vài chục tới vài trăm USD, do chính họa sĩ trực tiếp giao dịch. Ngoài ra, Arbat cũng có khá nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Họ say sưa kéo arcordeon, thổi kèn armonica, gảy đàn lia, lướt những ngón tay điệu đàng trên đàn harpe… Một chiếc mũ để du khách bỏ tiền, một chồng đĩa ghi âm chờ người yêu nhạc mua ủng hộ. Đám đông đứng lại thưởng thức rồi hờ hững bỏ đi, họ cũng không lấy làm phiền. Nụ cười thân thiện vẫn sáng bừng trên gương mặt, đáng yêu vô cùng!

Lang thang dọc theo con phố lát gạch lô xô, du khách có thể thỏa sức mua sắm cho mình những món đồ lưu niệm truyền thống chỉ có ở nước Nga. Từ con lật đật tròn quay, luôn phát ra những âm thanh du dương, trong trẻo đến búp bê gỗ Matryoska với tạo hình khăn trùm đầu và chiếc tạp dề đặc trưng. Từ đồ gốm sứ Gzhel đến ấm trà Samovar. Từ đồ trang sức làm bằng hổ phách tới những cô nàng búp bê vải tóc vàng, mắt xanh xinh xắn, đáng yêu. Từ những quả trứng Phục sinh tới chiếc mũ trùm tai… Tất cả phô bày vẻ quyến rũ, mời gọi sau lớp cửa kính sáng choang, hay giản dị hiện diện trong những quầy hàng nhỏ xinh, trông giống những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ sồi thường ẩn hiện giữa rừng bạch dương tuyết trắng.

Nếu dạo phố mỏi chân, du khách có thể chọn một nhà hàng - có đủ loại từ cao cấp tới bình dân, một quán cà phê ngoài trời che dù duyên dáng, hoặc một chiếc ghế gỗ thông được đặt rải rác dọc phố để nghỉ ngơi. Lạ một điều là tất cả những băng ghế tròn đều được trang trí bằng cụm anh đào giả, vốn không phải loài hoa đặc trưng của đất nước này. Cũng có thể vì thời điểm tôi tới đây, thời tiết khắc nghiệt bất thường đã khiến mùa xuân đến muộn, sắc hoa rực rỡ vẫn còn hiếm hoi nên người ta đành chọn phương án trang trí không mấy lãng mạn ấy. Dù vậy, Arbat vẫn sinh động, vẫn cuốn hút, theo một cách thức rất riêng.

Lịch sử hiện diện trên từng ngôi nhà, góc phố

“Arbat đã đi vào lịch sử Moscow - như một chứng nhân bền bỉ trong rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa, trong những trang hồi ký của nhiều cư dân nổi tiếng...”

Xuất phát điểm là nơi sinh sống của những người thợ thủ công chuyên phục vụ giới quý tộc trong Cung điện Kremlin, những ngôi nhà bằng gỗ mộc mạc được xây dựng nơi đây từ năm 1493 đã bị xóa sổ phần lớn, sau vụ hỏa hoạn năm 1736. Thay vào đó, những ngôi nhà bằng đá của giới quý tộc cùng những văn nghệ sĩ nổi tiếng đã mọc lên, định hình một Arbat tinh tế và đẳng cấp. Cuối thế kỷ XIX, con phố chuyển từ hình thái quý tộc sang thương gia, với những cửa hiệu buôn bán - salon thời trang và nhà hàng sang trọng. Dưới thời Stalin, Arbat biến thành con đường cấm, nơi những nhà lãnh đạo Soviet đi xuyên qua đó để vào làm việc tại Điện Kremlin. Nó chính thức trở thành phố đi bộ từ năm 1974, với điểm khởi đầu - Cánh cổng Arbat và điểm kết thúc là Quảng trường Smolensk.

Đi dọc theo con phố, du khách được chiêm ngưỡng bức tượng tuyệt đẹp bằng đồng cao hơn ba mét của vợ chồng đại thi hào Puskin, đặt ngay trước ngôi nhà hai tầng màu xanh số 53 mà họ đã từng chia sẻ hạnh phúc vài tháng đầu sau lễ cưới. Trước căn nhà số 43 có bức tượng người đàn ông đi bộ, đám trẻ con thường rất thích khoác tay, ôm chân ông để chụp ảnh. Hỏi ra mới biết, đó là nơi nhà thơ nổi tiếng Bulat Okudzhava (người đã dành cho con phố những tình cảm nồng hậu, với rất nhiều sáng tác lấy cảm hứng từ đây) từng sinh sống. Tác phẩm điêu khắc vinh danh ông mới được hoàn thành năm 2002. Đó là chưa kể hàng loạt địa chỉ từng gắn liền với tên tuổi những đại thụ văn hóa Nga. Như nhà hàng Prague, nơi A.P.Chekhov, L. Tolstoy hay I.E.Repin... vô cùng yêu thích. Như quán cà phê “Tầng hầm Arbat”, nơi V.Mayakovsky, A.Blok, Sergei A.Yesenin… thường la cà tụ tập. Điều đó lý giải tại sao Arbat đã đi vào lịch sử Moscow - như một chứng nhân bền bỉ trong rất nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa, trong những trang hồi ký của nhiều cư dân nổi tiếng. Như đại lộ Nevsky lừng danh ở cố đô Saint Petersburg vậy. 

Mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa Nga, Arbat mang lại cho du khách những cảm nhận rất riêng, qua từng viên gạch, từng ngôi nhà, từng nét uốn lượn mềm mại trên ban công, từng hoa văn cầu kỳ và tinh tế trên những cánh cổng, bức tường cổ kính in hằn dấu vết thời gian. Để trở thành nơi lắng đọng và kết tinh tâm hồn của Moscow, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...      

Hồ Cúc Phương

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận