Khác biệt và đặc sắc ẩm thực Sri Lanka

Sri Lanka có một nền văn hóa ẩm thực phong phú và đặc sắc

Do đặc điểm lịch sử và địa lý, nền văn hóa ẩm thực Sri Lanka chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa thực dân và những người buôn bán nước ngoài. Cơm là món ăn chủ yếu hàng ngày, trong khi đó, cari cay là món ăn ưa thích của người dân nơi đây vào bữa trưa và bữa tối.

Một bữa ăn điển hình của người Sri Lanka bao gồm một món cà ri chính (làm từ cá, gà, bò, lợn hoặc cừu), và một vài món cà ri khác làm từ rau và đậu lăng. Ngoài ra còn có thêm đĩa dưa góp, các loại sốt và một loại sốt rất cay có tên gọi "sambol". Khi thưởng thức các món ăn tại đây, bạn sẽ nhận ra một nguyên liệu phổ biến là nước cốt dừa, đây là nguyên liệu mang lại hương vị đặc trưng cho nền văn hóa ẩm thực này.

Tuy cari là món ăn chính, nhưng cách người Sri Lanka nấu ăn lại rất khác nhau do thói quen tự do khi sử dụng gia vị, theo cách nói người Việt Nam thì là “nêm nếm đến khi tổ tiên bảo dừng”. Hơn nữa, do việc chung sống của nhiều dân tộc, nhóm tôn giáo khác nhau trên đảo, từ đó khiến cho văn hóa ẩm thực của họ ngày càng đa dạng và phong phú. 

  1. Roti Kottu

Đây là một món ăn nhẹ đường phố được yêu thích ở Sri Lanka. Cách chế biến cũng khá thú vị; những miếng bánh roti được thái hạt lựu, nấu cùng thịt và rau, sau đó chiên vàng trong dầu dừa. Món ăn này dược bán khắp nơi như một món đồ ăn vặt buổi tối.

roti kottu

  1. Cari cua

Với những ai yêu thích hải sản và đặc biệt là cua, thì Sri Lanka chính là thiên đường. Một tô cari cua ngon ngọt là món ăn hấp dẫn nhất định phải thử khi bạn đặt chân lên quốc gia này. Cua được nấu chín trong hỗn hợp gia vị và nước cốt dừa, khi chín, món ăn được dọn kèm một loại bánh mỳ địa phương để tăng thêm hương vị.

  1. Ambul Thiyal (Cà ri cá chua)

Một món không thể bỏ qua khi nhắc tới hải sản Sri Lanka đó là cà ri cá chua (vâng, lại là cà ri ^^). Tôi nghĩ rằng sẽ không ở đâu có món cà ri với mùi vị đặc biệt như ở Sri Lanka. Tôi đã yêu thích món cà ri này tới mức dành cả buổi để nói chuyện với người đầu bếp về nó. Món cari này sử dụng một loại quả bản địa gọi là goraka, có vị giống như me, loại quả này khi nấu đem nấu cari sẽ tạo nên hương vị chua cay đặc trưng.

Loại cá được sử dụng là cá ngừ tươi, được lấy từ buổi chợ sáng. Cá được làm sạch, cắt miếng vuông vức, ninh cùng hạt tiêu đen trong nồi đất. Hương vị hấp dẫn làm xiêu lòng thực khác.

  1. Appa

Tôi đã khá ngạc nhiên khi thưởng thức những chiếc bánh appa này, về cách chế biến, món bánh này có nét tương đồng với bánh crepe, cũng là một lớp bánh tráng mỏng trên chảo nóng; tuy nhiên thay vì bột mỳ và trứng sữa, bánh appa sử dụng bột gạo lên men và nước cốt dừa – một hương vị đặc trưng. Bánh được tráng trong chảo sâu lòng tạo hình như cái bát nhỏ, tựa tựa bát ăn cơm của người Việt Nam ta. Bên trong bát tùy vào thực khách mà sẽ đựng nước sốt cay, cà ri hay đơn giản nhất là 1 quả trứng ốp lòng đào. Và đương nhiên, cả bánh và topping sẽ được xử lý trong vòng một nốt nhạc. Món này hãy ăn nóng. 

  1. Lamprais

Đây là một món ăn truyền thống của cộng đồng người Burgher Hà Lan, nhưng đáng ngạc nhiên là món ăn này lại không có nguồn gốc từ Hà Lan, nó được biến tấu dựa trên món ăn địa phương của Indonesia – Lemper. Món ăn này bao gồm thịt, rau và gạo được gói chung với nhau trong lá chuối và nấu chín từ từ. Thực sự thì món này làm tôi nhớ đến món xôi mặn Sài Gòn.

  1. Pol Sambol

Khi lần đầu ăn Pol Sambol, tôi không biết nên định nghĩa món ăn này như thế nào. Nếu nói đây là một món ăn kèm, kiểu như bonchon của Hàn Quốc cũng đúng, hoặc định nghĩa pol sambol như một món chấm để chấm nhiều món ăn khác, kiểu như chẩm chéo của Việt Nam cũng không quá sai.

Pol sambol được kết hợp từ dừa khô, hành tím, ớt khô, nước chanh, muối và cá khô nghiền vụn trộn lại với nhau. Vị cay, mặn, ngọt, bùi và thơm mùi dừa.

Ngồi trên bến cảng, thưởng thức một tô cơm nóng hổi rắc trộn Pol Sambol, lại thêm tô cari cua và ly bia gừng mát rượi, quả thực là một trải nghiệm khó quên. 

  1. Bánh Watalappan

Một món tráng miệng truyền thống của cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka luôn xuất hiện trong tháng Ramadan, đó là bánh watalappan. 

Bánh pudding dừa nướng Watalappan gồm cốt dừa, sữa đặc, đường thốt nốt, trứng, gia vị có quế, sau đó được hấp chín cách thủy. Bên trên là các loại hạt giòn bù đắp cho sự mềm, xốp của món bánh thơm ngon này.

Sri Lanka có thể là một đất nước nhỏ bé, nhưng nền văn hóa ẩm thực của họ thì không hề nhỏ bé chút nào, nếu có dịp đi du lịch Sri Lanka, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nhé. Tin tôi đi, bạn sẽ không phải thất vọng đâu. 

Xem thêm về Srilanka tại đây

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận